• Nông nghiệp

Khoảng 430.000 người dân ĐBSCL gặp khó khăn về nước sinh hoạt

09/06/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 09/06/2020 | 06:00

STO - Đó là một trong những đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp tại Hội nghị bàn giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vào cuối tháng 5 vừa qua. Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm để có những giải pháp cấp nước sinh hoạt nông thôn theo hướng bền vững, phù hợp với địa phương và vùng ĐBSCL trong những năm tới.

Thực trạng thiếu nước sạch vùng nông thôn

Diễn biến mùa khô hạn năm 2020 ở ĐBSCL được các địa phương phản ánh là đến sớm, gay gắt và kéo dài nhất trong những năm gần đây. Cho đến những ngày cuối tháng 5-2020, một số địa phương vùng ven biển mới xuất hiện một vài cơn mưa đầu mùa, nhưng chưa thể giải cơn nóng và độ mặn giảm chậm. Theo các địa phương vùng ven biển, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020, trong vùng nông thôn hiện có 20.600 hộ được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung (chiếm 22%), 75.400 hộ tự cấp nước (chiếm khoảng 78%). Nguyên nhân là các công trình cấp nước tập trung bị nước mặn xâm nhập sâu. Nguồn nước bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm báo động ở các tỉnh: Long An, Cà Mau, Sóc Trăng. Trong khi đó, hiện còn tình trạng các hộ dân sống rải rác xa công trình cấp nước tập trung hoặc dân cư ở vùng nông thôn ven biển còn thiếu dụng cụ trữ nước ngọt trong mùa khô hạn.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng việc mở rộng nối dài tuyến đường ống cấp nước nông thôn phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Thúy Liễu

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết chia sẻ: “Sóc Trăng là một trong những tỉnh ven biển có đông dân cư vùng nông thôn và hiện còn một số địa phương trong tỉnh, người dân thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân là do thiếu nước trời (nước mưa), trên sông Hậu thiếu nước từ đầu nguồn MêKông đưa về, thiếu vốn đầu tư. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT cần có biện pháp giải quyết dứt điểm trong việc đầu tư các công trình cấp nước tập trung cấp bách trước mắt cho các địa phương. Từ đó đầu tư mở rộng sang những địa phương, khu vực khác bằng cách mở rộng nối dài tuyến đường ống cấp nước lan tỏa cho vùng nông thôn các tỉnh trong vùng”.

Cần giải quyết cấp bách

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: “Vùng ĐBSCL hiện có khoảng 13 triệu người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Trong những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, đến nay đã có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong đó, khoảng 8 triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung và 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình như giếng đào, chứa trong lu, bể. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn vùng ĐBSCL. Đa số các công trình cấp nước tập trung bị sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngừng hoạt động, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Cụ thể, có khoảng 167 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và ảnh hưởng lớn nhất trong mùa hạn, mặn năm nay, tại vùng ĐBSCL có khoảng 96.000 hộ với khoảng 430.000 người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan và chuẩn bị cho những năm tiếp theo, cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiện trạng tình hình cấp nước nông thôn. Phân tích đâu là những khó khăn, tồn tại; đồng thời, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới một cách căn cơ, bền vững và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt””.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu một số giải pháp là trong dài hạn cần có khảo sát thực địa giảm, hạn chế khai thác sử dụng nước ngầm. Bởi thực trạng còn khoan nước ngầm dùng trong sinh hoạt chỉ 8%, trong khi sử dụng cho sản xuất đến 92%, vì vậy trường hợp bất khả kháng mới đào khoan giếng. Theo đó, nơi nào xa trạm cấp nước có thể khoan giếng nhưng bằng hình thức cấp nước tập trung cho nhiều hộ dân cùng sử dụng hoặc tính toán đầu tư xây bể chứa nước. Bên cạnh đó, việc đầu tư công trình cấp nước nông thôn cần có lộ trình, thời gian đầu tư xây dựng và về giải pháp nước sinh hoạt cần có chương trình đầu tư riêng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đến năm 2025 giải quyết cơ bản, đến 2030 giải quyết xong an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất và thích nghi có kiểm soát ở ĐBSCL.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: