• Nông nghiệp

Lúa ảnh hưởng nặng nề sau mưa bão

08/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 08/11/2020 | 06:00

STO - Sau ba cơn bão số 7, 8 và 9 vừa đi qua, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy khi đến thăm các cánh đồng lúa tại các huyện: Trần Đề, Châu Thành, Long Phú, Mỹ Xuyên, TP. Sóc Trăng... là hàng ngàn hécta lúa nằm rạp sát đất, thậm chí nhiều diện tích lúa bị ngập sâu trong nước, bông lúa nảy mầm thành những cây mạ non. Trước bão, nhiều cánh đồng lúa oằn bông, giờ không thể thu hoạch, ảnh hưởng đến thu nhập, nhiều hộ nông dân không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ vật tư nông nghiệp và chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.

Nhiều ruộng lúa bị thiệt hại do mưa bão, nông dân xới đất chuẩn bị cho vụ Đông - Xuân. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo thống kê của ngành chuyên môn, tổng diện tích lúa bị đổ ngã vụ Hè - Thu năm 2020 do mưa bão gây ra trên địa bàn toàn tỉnh là 19.246ha, trong đó diện tích bị đổ ngã 30% chiếm 3.196ha, đổ ngã 30% - 70% là 10.427ha và diện tích đổ ngã trên 70% là 5.626ha. Theo đó, diện tích lúa bị đổ ngã đều đã trổ chín và chuẩn bị thu hoạch nên khi bão vào lúa bị ảnh hưởng nặng nề, khi mưa liên tục kèm bão làm lúa trổ chín bị sập rạp, không thể thu hoạch được, do nước ngập sâu, lúa trên đồng lâu ngày bị rơi rụng hạt và bông lúa nảy mầm nên nhiều diện tích lúa xem như mất trắng, nông dân lỗ nặng.

Tranh thủ những ngày nắng hiếm hoi, bà con ráo riết thu hoạch lúa. Khi nghe hỏi, ông Trần Nhênh, ấp Trà Ông, xã Viên Bình (Trần Đề) tắt ngay chiếc máy xới, cất giọng buồn bã: “Năm nay xem như vụ Hè - Thu tôi trắng tay, đây là ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch thì bão tới, mưa dầm liên tiếp nhiều ngày, nước dưới sông dâng lên kèm theo nước mưa, dẫn đến lúa ngập sâu trong nước. Thấy xót lúa, tôi gọi máy gặt đập nằm trên bờ chờ sẵn, mưa tạnh nước rút đưa máy xuống thu hoạch ngay nhưng chờ nhiều ngày liền mưa vẫn không ngớt, nước trong ruộng ngày càng nhiều hơn, đành bỏ luôn diện tích lúa 10ha trên đồng và 5ha lúa còn lại chỉ thu hoạch được 150kg/công. Giờ ruộng lúa bị ngập đã không còn cách nào cứu vãn, tôi tranh thủ nước rút cạn xới đất, chuẩn bị xuống giống vụ Đông - Xuân".

Cũng theo lời tâm sự của ông Nhênh, cái khó trong việc cải tạo đất là do lúa không thu hoạch được nên lúa còn nguyên cây, phải xới đất đến 2 lần mới đảm bảo việc xuống giống cho lúa phát triển tốt. Qua đó, làm tăng chi phí cải tạo đất gấp đôi so bình thường. Đưa tay, vớt những cây lúa đen nằm dưới nước, hạt lúa đã nảy mầm thành cây mạ non xanh, ông Nhênh tiếp lời: “Vụ lúa Hè - Thu không bị ảnh hưởng bão, chắc chắn số tiền lợi nhuận tôi thu về 450 triệu đồng/15ha lúa, thường năng suất lúa vụ này, ước 7 tấn - 7,5 tấn/ha hơn nữa lúa tôi sản xuất là lúa đặc sản nên giá bán tốt. Rút kinh nghiệm cho vụ mùa năm sau, tôi sẽ làm bờ bao quanh ruộng lúa, kết hợp đường thoát nước tốt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạn chế lúa bị đổ ngã…”.

Cách ruộng lúa ông Nhênh tầm 4km là ruộng lúa ông Thạch Mô Tô, ấp Lao Vên, xã Viên Bình (Trần Đề) đang thu hoạch, đứng trên bờ nhìn chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động liên tục, nhưng rất lâu mới được một bao lúa đầy chuyển sang chành kéo, ông Mô Tô buồn bã chia sẻ: “Kể từ đợt bão đến nay, chẳng ngày nào tôi nuốt trôi cơm, bởi khi nghĩ đến diện tích lúa bị hư hại do bão gây ra thì buồn rầu, vì thu nhập chính của gia đình dựa vào các vụ lúa trong năm. Do vậy, xem như vụ Hè - Thu năm 2020 này, 68 công đất lúa lỗ nặng, bởi chỉ thu hoạch được 4 bao lúa/công nhưng chi phí thuê máy gặt đập lên tới 350.000 đồng/công do lúa đổ ngã (giá lúa đứng thu hoạch là 280.000 đồng/công). Tôi đang lo kiếm tiền trả vật tư nông nghiệp, để còn mua nợ tiếp cho vụ sau…”.

Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chia sẻ: “Để hạn chế hiện tượng đổ ngã, ngập úng trên lúa trong mùa vụ sản xuất, nông dân cần thực hiện một số giải pháp ngay từ đầu vụ là trước khi gieo sạ, phải cày ải phơi đất để tạo nên lớp đế cày, ruộng không bị lầy thụt, giúp khoáng hóa các chất hữu cơ và giải bớt các chất độc trong đất, giúp rễ lúa phát triển, hấp thu dinh dưỡng tốt, lúa cứng cây hơn. Ruộng canh tác lúa nên làm đất bằng phẳng, có hệ thống thoát nước. Đồng thời, chọn những giống lúa cứng cây, vừa kháng được sâu rầy, vừa hạn chế được đổ ngã khi lúa chín…”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: