• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Mùa ST trên Bán đảo Cà Mau

24/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 24/11/2020 | 06:00

STO - Sau khi xuất sắc đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Philippines, cây lúa thơm Sóc Trăng (gọi tắt là ST), đặc biệt là giống ST24 và ST25 được lãnh đạo và nông dân các tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…) quan tâm đưa vào sản xuất tại những khu vực có điều kiện phù hợp, như: vùng sản xuất lúa – tôm, vùng 2 vụ lúa…

Từ thành công với giống ST22, anh Nguyễn Văn Mực và nhiều nông dân huyện An Biên thêm tự tin khi đến với giống ST24 và ST25 trong vụ sản xuất năm nay. Ảnh: TÍCH CHU

Ngay sau khi vụ tôm nước lợ năm 2020 kết thúc, các vuông tôm nhanh chóng được rửa mặn, làm đất để chuẩn bị đón cây lúa ST cho kịp thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Vào thời điểm này, tại một số vùng tôm – lúa thuộc tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu hay Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đều đã phủ một màu xanh của lúa ST. Năm nay, giá lúa các loại luôn ở mức cao, nên theo dự đoán của nông dân, giá lúa ST24 và ST25 thu hoạch trước tết chắc chắn sẽ vượt qua mức giá bao tiêu của các doanh nghiệp. Mới đây, gạo thơm ST25 lại xuất sắc giành giải nhất tại Hội thi “Gạo ngon Việt Nam” lần thứ hai tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh càng củng cố thêm niềm tin của nông dân vào giống lúa này.

Hôm 5-11, có dịp cùng kỹ sư Hồ Quang Cua dạo một vòng quanh các vùng tôm – lúa sử dụng giống ST24 và ST25 ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang mới thấy hết sự hồ hởi cùng không khí nhộn nhịp của nông dân khi bước vào mùa vụ ST này. Tại An Biên, gặp lại chúng tôi, nông dân Nguyễn Văn Mực khoe: “Năm nay, cả cánh đồng rộng 800 công tầm lớn ở đây chỉ sử dụng 2 giống: ST24 và ST25, trong đó, giống ST24 chiếm đa số với 600 công. Lúa hiện được 15 - 45 ngày tuổi và đang phát triển rất tốt lại được doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang bao tiêu nên ai nấy đều rất yên tâm”.

Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng ST phía sau nhà, anh Mực cho biết thêm: “Tôi và nhiều nông dân ở đây làm lúa ST đã nhiều năm rồi, từ thời còn ST5, rồi đến ST22 ở vụ mùa năm 2017 nên cũng rất tự tin với 2 giống ST mới này”. Nghe anh nhắc tới giống ST22 tôi mới nhớ và cũng chính từ giống lúa này tạo cho anh thêm tự tin cùng niềm đam mê lúa ST. Anh tin là bởi ở vụ lúa năm đó, sau khi sạ giống ST22 xong thì độ mặn trên hệ thống kênh nội đồng đo được lên đến 4 - 5%o, khiến cả nhà lo lắng và tính đến phương án 2 là mua năn về để cấy lại vì nghĩ rằng cây lúa sẽ không qua khỏi độ mặn này. Tuy nhiên, không chỉ vượt qua độ mặn khá cao này, cây lúa ST22 còn phát triển rất tốt và đến cuối vụ cho năng suất rất cao. Nhưng niềm vui trúng mùa không được lâu khi gần đến ngày thu hoạch trời bỗng đổ mưa trái mùa liên tục khiến giá lúa rớt thảm hại, thương lái không vô thu mua. Ngay lúc chưa biết bán cho ai, thì có doanh nghiệp trong tỉnh đến thu mua toàn bộ thông qua sự giới thiệu của kỹ sư Hồ Quang Cua.

Không chỉ có Kiên Giang, mà ngay sát tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng đã chủ động đến tận khu sản xuất lúa giống để gặp gỡ, cùng bàn chuyện phát triển lúa ST với kỹ sư Hồ Quang Cua trên vùng tôm – lúa của tỉnh Bạc Liêu. Và ngay tại Diễn đàn lúa – tôm diễn ra đầu tháng 10 tại tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu rất tự tin với việc đưa cây lúa thơm ST vào mô hình tôm – lúa: “Chúng ta đã có giống lúa ST đạt giải nhất thế giới rất phù hợp cho mô hình tôm – lúa; có một diện tích tôm – lúa toàn vùng hơn 200.000ha và có cả một đội ngũ doanh nghiệp, nhà khoa học rất tâm huyết, sẵn sàng đồng hành thì không có lý do gì để chần chừ không đẩy nhanh sự phát triển mô hình tôm – lúa với giống lúa chủ lực ST này. Nông dân đang chờ đợi, doanh nghiệp rất tâm huyết nên chúng ta có thể tự tin vào sự thành công của mô hình trong thời gian tới, nếu có quyết tâm và sự tập trung trong thực hiện”.

Năm nay, bên cạnh 3.500ha làm lúa ST được tỉnh trợ giá, nông dân Bạc Liêu còn chủ động đưa vào sản xuất hàng ngàn hécta lúa ST ở vụ tôm – lúa này để tranh thủ giá bán cao dịp cuối năm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số diện tích sản xuất lúa ST của tỉnh Bạc Liêu ở vụ này vào khoảng 8.000 - 10.000ha trở lên. Còn tại tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích lúa – tôm thuộc hàng lớn nhất cả nước, theo ghi nhận của người viết, chỉ riêng ở huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, diện tích sản xuất lúa ST cũng đã hơn 7.000 - 8.000ha và hầu hết đều đã có doanh nghiệp đặt hàng tiêu thụ. Còn tại Sóc Trăng, thủ phủ của lúa ST, chắc chắn số diện tích sản xuất lúa ST năm nay sẽ tăng mạnh nhờ được tiêu thụ tốt, giá bán cao. Hiện một số vùng chuyên sản xuất lúa ST của huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên đã xuống giống gần như hoàn tất, chỉ còn vùng có diện tích lớn nhất là TX. Ngã Năm là chưa thể xuống giống do đang là mùa ngập.

Gạo ST đã được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm, sức tiêu thụ ngày một tăng, dù giá bán luôn cao hơn một số loại gạo thơm khác, còn trên thị trường xuất khẩu, đã có doanh nghiệp xuất bán với giá trên 1.000USD/kg. Trong khi đó, Sóc Trăng và các tỉnh khu vực Bán đảo Cà Mau là nơi có điều kiện thuận lợi nhất để mở rộng sản xuất lúa ST theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cả hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu và Mỹ. Cơ hội đang là rất lớn cho cả vùng Bán đảo Cà Mau trong việc phát triển lúa ST và chỉ cần cây lúa ST phủ màu xanh khắp các vùng tôm – lúa thì chắc chắn hương thơm của nó sẽ còn bay xa hơn nữa.

Ngay khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này, kỹ sư Hồ Quang Cua đã điện thoại cho hay, ngày 21-11 có một đoàn của tỉnh Đăk Lăk đến tham quan, bàn chuyện sản xuất lúa ST trên vùng đất Tây Nguyên. Đây cũng chính là một bất ngờ thú vị, bởi theo phản hồi của nông dân tỉnh Đăk Lăk với kỹ sư Hồ Quang Cua, giống ST24 và ST25 trồng tại đây cho năng suất rất cao, hạt lúa rất đẹp và chất lượng cũng rất thơm ngon.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: