• Nông nghiệp

Nâng cao hiệu quả dịch vụ công cho ngành nông nghiệp

09/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 09/01/2019 | 06:00

STO - Nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ công cho ngành Nông nghiệp Sóc Trăng, bên cạnh các hoạt động nâng cao trình độ kiến thức về nông nghiệp cho cán bộ, Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST) còn triển khai hoạt động hỗ trợ xây lắp và trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị kỹ thuật trực thuộc ngành Nông nghiệp tỉnh.

Ông Lê Văn Trung - Trưởng Trạm Giống cây trồng huyện Kế Sách cho biết: “Vừa qua, đơn vị được Dự án VnSAT-ST hỗ trợ cho máy gặt đập liên hợp tạo điều kiện thuận lợi trong việc chủ động trong sản xuất, nhất là chủ động được nguồn nhân công cũng như nâng cao hiệu quả trong sản xuất giống”. Cũng theo ông Trung, mỗi vụ thu hoạch lúa, đơn vị đều phải tìm thuê máy cắt lúa và lực lượng nhân công. Vì vậy, mọi khâu sản xuất đều không thể chủ động được, đây là vấn đề khó khăn nhất của trại giống. Từ khi được Dự án VnSAT-ST hỗ trợ các trang thiết bị như: máy cắt lúa, máy tách hạt, máy cấy, mái che lò sấy và sửa chữa, nâng cấp kênh bêtông… đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, chất lượng giống lúa cũng được đảm bảo hơn.

Th.s Ngô Nam Thạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng cho biết: “Sự hỗ trợ máy móc, trang thiết bị của Dự án VnSAT-ST đã góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất của ngành nông nghiệp. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ 2 máy gặt đập liên hợp, 4 máy cấy, 1 máy tách hạt, 10.000 khay gieo mạ và nâng cấp sửa chữa hệ thống kênh mương phục vụ cho sản xuất…”.

Dự án VnSAT-ST hỗ trợ máy gặt đập liên hợp góp phần sản xuất theo hướng bền vững.

“Với việc đầu tư, hỗ trợ các dịch vụ nông nghiệp từ Dự án VnSAT-ST, thời gian tới, đơn vị sẽ thành lập tổ dịch vụ và liên kết với một số hợp tác xã trong vùng dự án để làm dịch vụ như: cắt lúa, gieo mạ… góp phần giảm giống, giảm chi phí trong sản xuất” - Th.s Ngô Nam Thạnh chia sẻ thêm. Công tác hỗ trợ nâng cao hiệu quả dịch vụ công cho ngành nông nghiệp là một trong những mục tiêu hàng đầu cũng như hoạt động chính của Dự án VnSAT-ST nhằm hỗ trợ tài chính và nguồn lực cần thiết để tăng cường năng lực của các đơn vị kỹ thuật và các cơ quan liên quan của bộ, các nội dung chính dự án sẽ hỗ trợ trong hoạt động này gồm: đào tạo cho cán bộ cấp tỉnh, huyện và dự án; tham quan học tập trong và ngoài nước; chiến dịch truyền thông; hỗ trợ xây lắp, hàng hóa và thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị kỹ thuật trực thuộc ngành Nông nghiệp tỉnh. 

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT-ST, dự án đã hỗ trợ xây lắp, hàng hóa và thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị ngành nông nghiệp, như: nâng cấp, sửa chữa trụ sở làm việc, nhà xe ôtô, nhà công vụ, sửa chữa khối phòng thí nghiệm và hội trường cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; nâng cấp, sửa chữa trạm bơm điện, kênh bêtông, mái che lò sấy cho Trại Giống cây trồng huyện Kế Sách trực thuộc Trung tâm Giống cây trồng… Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ trang thiết bị cho 3 đơn vị hỗ trợ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) 5 máy phun đa năng trong công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân vùng dự án.

Cùng với đó, Ban Quản lý Dự án VnSAT-ST đã tổ chức lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về nông nghiệp và phương pháp tập huấn cho nông dân, hội thảo kỹ thuật; tổ chức 2 đợt tham quan học tập trong nước cán bộ của xã, hợp tác xã, tổ chức nông dân và nông dân tiêu biểu. Thực hiện chiến dịch truyền thông, thông qua các hoạt động như: tổ chức 7 cuộc hội nghị khởi động dự án, gồm 1 cuộc cấp tỉnh và 6 cuộc cấp huyện (Mỹ Tú, Long Phú, Châu Thành, Thạnh Trị, Kế Sách, Mỹ Xuyên); hội thi “Nông dân sản xuất lúa bền vững” cấp tỉnh; thực hiện chuyên mục khuyến nông trên truyền hình và chuyên trang dự án trên báo, đài địa phương nhằm tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động triển khai của dự án.

Thông qua việc tăng cường năng lực các đơn vị kỹ thuật, dự án hỗ trợ củng cố, nâng cao và tăng cường quản lý sản xuất và kinh doanh giống lúa nguyên chủng và giống xác nhận ngày càng chất lượng và quản lý giống lúa theo hướng “xã hội hóa”; chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho nông dân vùng dự án và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường thông qua hoạt động tập huấn, triển khai mô hình điểm về việc tái sử dụng các phế phụ phẩm từ lúa gạo nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cho nông dân vùng dự án.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: