• Nông nghiệp

Ngành nông nghiệp không nên “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”

13/01/2018 05:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 13/01/2018 | 05:00

STO - Đó là lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gởi đến ngành nông nghiệp tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành vừa mới diễn ra vào đầu tháng 1-2018. Trong năm 2017, ngành nông nghiệp đã có đóng góp tích cực trong việc nâng cao giá trị GDP cả nước; đồng thời ngành đã chủ động, sáng tạo trong hoạt động, đưa nền nông nghiệp nước nhà lên một tầm cao mới.

Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, kết thúc năm 2017, ngành nông nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Theo đó có một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như: kim ngạch xuất khẩu đạt theo kế hoạch đề ra, cả nước có 2.884 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 43 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng thể chế và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện.

Sóc Trăng là một trong những địa phương thực hiện giảm nghèo hiệu quả nhờ nuôi bò sữa.

Có được kết quả đó là nhờ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm, những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khai thông thị trường, tăng niềm tin. Từ đó, phát huy cao độ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người dân và các doanh nghiệp. Theo đó, trong năm 2017 đã có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 4% so cùng năm 2016, số lượng trang trại, hợp tác xã tiếp tục tăng, có 1.189 hợp tác xã thành lập mới, nâng tổng số cả nước lên 11.688 hợp tác xã và có 33% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết sản xuất gắn với thị trường, phòng chống thiên tai, chung sức giúp người dân nuôi heo khi giá cả bất lợi thể hiện hành động quyết liệt sát thực tiễn của toàn ngành trong thực hiện cơ cấu lại, xây dựng nông thôn mới.

Tuy đạt được nhiều kết quả như trên nhưng nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tập trung khắc phục, như: cơ cấu lại nông nghiệp đạt kết quả chưa đồng đều, vẫn còn địa phương lúng túng trong triển khai và kết quả chưa rõ ràng, năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân được cải thiện chậm; biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp nhưng vẫn còn sự chủ quan, thiếu quyết liệt ở một số địa phương, công nghiệp chế biến chậm phát triển, công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập nên xảy ra tình trạng “cung vượt cầu” ở một số sản phẩm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ; vốn đầu tư cho ngành so với nhu cầu, nhất là vốn hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành, trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 một số dự án ODA thiếu vốn, nguy cơ bị chậm tiến độ so với hiệp định đã ký.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Mặc dù năm 2017 có nhiều thách thức nhưng ngành nông nghiệp đã đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng là ngành đã đóng góp GDP 2,7%, giá trị sản xuất tăng hơn 3%, triển khai đồng bộ các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao hiệu quả”.

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng Thủ tướng cho rằng, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa mạnh mẽ, một số nơi còn xảy ra tình trạng chặt phá rừng tự nhiên, một số địa phương lấy đất trồng rừng làm đất sản xuất. Thủ tướng nhấn mạnh là cần quy hoạch sản xuất và bất cứ địa phương nào cũng phải có định hướng sản xuất cho người dân, phương châm “Sát dân, gần dân, đối mặt cùng nhân dân” và đảm bảo hạ tầng nông nghiệp “nước, phân, cần, giống”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao trách nhiệm ngành nông nghiệp cùng các địa phương phải đổi mới kinh tế hợp tác theo Luật Hợp tác xã năm 2012, xem xét những chính sách có lợi cho dân thì triển khai thực hiện nhanh, tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp… 

Trong năm 2018, để ngành nông nghiệp phát triển toàn diện hơn nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “Phải đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng xuất lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng sức cạnh tranh thị trường, tăng lợi nhuận, nâng cao đời sống người dân”.

Thủ tướng lấy ví dụ: Israel áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rất hiện đại, quy trình sản xuất nông sản được tưới bằng hệ thống phun nước nhỏ giọt tiết kiệm tối đa nước nhưng năng suất nông sản sau thu hoạch luôn đạt cao, chất lượng tốt. Qua đó, các địa phương cần phải nghiên cứu áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, ngành nông nghiệp phải đặc biệt quan tâm những vấn đề bức xúc trong nông nghiệp, nông thôn, chuyển các cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả hơn, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cho người dân.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần nâng cao năng lực đội ngũ quản lý vật tư nông nghiệp, quyết liệt thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chọn giống cây trồng phù hợp biến đổi khí hậu, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, cải cách thủ tục hành chính trong nông nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế hợp tác xã. Thủ tướng lưu ý các vùng, miền trên cả nước phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: