• Nông nghiệp

Người dân hãy yên tâm sử dụng sản phẩm thịt heo

20/05/2019 14:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 20/05/2019 | 14:01

STO - Trước tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra tại tỉnh Hậu Giang, địa phương giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang phối hợp các ngành chuyên môn triển khai nhiều giải pháp ứng phó ngăn chặn dịch bệnh vào địa bàn tỉnh.

Mấy ngày gần đây, khi nghe các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về DTHCP đã xuất hiện tại 2 xã thuộc 2 huyện của tỉnh Hậu Giang, bà Lê Thị Năm, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) vô cùng lo lắng. Bởi nhiều năm nuôi heo bị thua lỗ do dịch bệnh và giá thấp làm gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Nhưng 2 năm trở lại đây, giá heo khá tốt nên bà Năm bắt đầu tái đàn nuôi, số lượng lên đến 10 con heo thịt/đợt và mỗi năm bà xuất bán lượng heo thịt ra thị trường là 30 con, thu về số lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Suốt mấy tháng qua, biết heo ở các tỉnh miền ngoài bị bệnh DTHCP bà đã có nỗi lo canh cánh và khi được ngành thú y hướng dẫn cách chăm sóc đàn heo bà đã tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn trên.

Triển khai nhiều biện pháp bảo vệ đàn heo trước nguy cơ DTHCP lây lan nhanh.

Sau khi nghe thông tin DTHCP xuất hiện ở Đồng Nai rồi giờ tới Hậu Giang, gần sát bên Sóc Trăng, bà Năm càng lo hơn, bởi đàn heo đang giai đoạn phát triển tốt, hứa hẹn thu về lợi nhuận khá. Bà Năm tâm sự: “Giờ DTHCP đang lan nhanh làm người chăn nuôi như tôi rất lo, do vậy càng đảm bảo việc chăm sóc heo thật tốt, hạn chế tối đa người ra vào chuồng và áp dụng biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng thường xuyên…”.

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lâm Minh Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “DTHCP xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước và gần đây nhất xảy ra tại tỉnh Hậu Giang đã gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi, kể cả người tiêu dùng. Ngay từ khi có DTHCP xảy ra tại các tỉnh miền ngoài, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ heo và các sản phẩm từ heo vào tỉnh và đi qua địa bàn tỉnh bằng cách thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch lưu động trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp và Quốc lộ Nam Sông Hậu, ngoài các chốt kiểm dịch đã có sẵn trước đây. Đồng thời, đơn vị phối hợp các đơn vị liên quan trực 24/24 để kiểm soát việc vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo vào địa bàn cũng như quá cảnh qua tỉnh. Chốt kiểm dịch sẽ kiểm tra về các chứng từ nguồn gốc heo, giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra lâm sàng, nếu đạt yêu cầu sẽ phun thuốc khử trùng phương tiện và xác nhận vào giấy để được chủ phương tiện vận chuyển tiếp. Bên cạnh lập các chốt kiểm soát, đơn vị còn thường xuyên kiểm tra tại các cơ sở giết mổ về điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển sản phẩm thịt sau giết mổ đi đến các chợ trung tâm cũng như phân công nhân viên thú y trực tại các cơ sở giết mổ...”.

Cũng theo đồng chí Hoàng, song song đó, đơn vị còn thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. “Khi gia súc nhập về giết mổ, trạm kiểm dịch kiểm tra gia súc nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận tiêm phòng và nơi đến để giết mổ, phối hợp với các trạm chăn nuôi giám sát tình hình sức khỏe của gia súc trước khi giết mổ, kiểm tra chặt chẽ việc nhập gia súc từ đầu vào đến đầu ra. Phối hợp cùng UBND các xã, phường, thị trấn nắm lại tổng đàn nhằm phục vụ tốt hơn công tác giám sát, đồng thời vận động người chăn nuôi trên địa bàn thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi về dấu hiệu nhận biết dịch bệnh trên heo, nếu nghi ngờ heo có các triệu chứng bất thường báo ngay đến địa phương, cán bộ thú y cơ sở để có biện pháp xử lý nhanh nhất. Nhờ đó, hộ dân đã có ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch” - đồng chí Lâm Minh Hoàng cho biết thêm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết kêu gọi người dân không nên hoang mang, lo lắng trước DTHCP bởi DTHCP không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đối với hộ chăn nuôi cần phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan để vệ sinh phòng dịch, tiêu độc khử trùng. Đồng chí Lương Minh Quyết khuyến cáo: “Hộ dân hạn chế đến mức tối đa việc nhập đàn heo con ngoài tỉnh vào đến khi dịch tạm thời lắng xuống. Trong thời điểm hiện tại, tôi mong rằng người tiêu dùng và hộ chăn nuôi không nên hoang mang, hãy chấp hành đầy đủ các biện pháp kỹ thuật của ngành chăn nuôi khuyến cáo và sử dụng thịt heo bình thường, bởi khi đưa heo vào lò giết mổ chúng tôi đã kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra…”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: