• Nông nghiệp

Nông dân Sóc Trăng "đứt ruột" cắt lúa ngập nước do bị ảnh hưởng bởi bão số 1

03/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 03/01/2019 | 06:00

STO - Chưa bao giờ nông dân canh tác lúa cảm thấy tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay. Nếu như mấy ngày trước đây nắng nóng kéo dài, thì ngay lập tức chuyển sang mưa liên tiếp và theo đó là những cơn áp thấp nhiệt đới rồi bão kéo đến làm cho việc sản xuất nông nghiệp, nhất là việc canh tác lúa của nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thông lệ, Đông - Xuân là vụ mùa bởi lúa cho năng suất cao hơn so với các vụ khác trong năm và được xem là vụ mùa “ăn chắc” bởi ngoài năng suất cao, giá bán cũng khá hơn khi thu hoạch lúa khô ráo. Năm nay cũng vậy, theo dự tính của bà con, phần lợi nhuận làm lúa vụ này sẽ để dành ăn Tết Kỷ Hợi năm 2019. Nhưng rồi những tính toán ấy bỗng chốc trở thành nỗi buồn vì ảnh hưởng của cơn bão số 1.

Đang gặt lúa bằng tay dưới ruộng ngập nước qua khỏi mắt cá chân, ông Lê Văn Thơm, ấp Trà Quýt A, thị trấn Châu Thành (Châu Thành) bộc bạch: “Xem như năm nay mất hơn 30% lợi nhuận từ vụ lúa mùa chuẩn bị ăn tết. Những ngày qua, dù lúa đã tới đợt thu hoạch nhưng trời mưa, tôi cứ nấn ná bớt mưa sẽ kêu máy gặt đập đến gặt lúa để bán. Ai ngờ mưa vừa ngơi hạt thì áp thấp nhiệt đới, bão ập đến, giờ lúa đã chín rụng cả hạt nên phải bấm bụng thu hoạch. Ngặt nỗi giờ ruộng ngập nước, máy gặt đập không thể xuống ruộng vì lún, kèm với đó là cây lúa ngã sát đất làm sao máy có thể gặt.

Hàng trăm héc-ta lúa bị ảnh hưởng bởi các cơn mưa trái mùa kéo dài.

Với 5 công đất, ruộng lúa của ông Thơm sập hơn 70% thì khó có máy gặt nào gặt được nên ông đành phải nhờ sự hỗ trợ của anh em, họ hàng xúm nhau phụ cắt lúa bằng tay. Chỉ xuống đám lúa sập trước mặt, ông Thơm tiếp lời: “Hổm rày lúa bị nước mưa nên bị đen khá nhiều, tôi đang lo cắt xong không biết tiêu thụ ra sao. Vụ Đông - Xuân năm nào lúa cũng trúng ham lắm, lợi nhuận đủ tiền ăn tết đầm ấm, nhưng năm nay xem như công cốc rồi”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Võ Minh Luân cho biết: “Thời gian gần đây, thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp, nhiều nông dân canh tác lúa "trở tay không kịp" bởi vào giai đoạn thu hoạch lúa thì mưa ập xuống liên tục, dồn dập trong suốt vài ngày. Vụ Đông - Xuân huyện xuống giống hơn 16.500ha. Số diện tích lúa chưa thu hoạch hơn 3.200ha, trong đó diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã; diện tích lúa vừa gieo sạ và giai đoạn mạ thiệt hại do mưa lớn hơn 3.700ha, trong đó lúa chín đổ ngã 30% - 70%, chiếm diện tích 635ha. Việc lúa đổ ngã sẽ làm giảm năng suất, chất lượng khoảng 5%, cũng làm lúa giảm giá phần nào do bị ướt nước. Hiện tại phần lúa đổ ngã trên địa bàn huyện đã thu hoạch gần dứt điểm, chỉ còn lại khoảng vài chục héc-ta. Đồng thời, bà con nông dân đang chuẩn bị đất để gieo trồng vụ tiếp theo, đơn vị đang khuyến cáo hộ dân cẩn trọng trong việc xuống giống bởi áp thấp nhiệt đới, mưa bão thì ruộng lúa sẽ bị nước làm ngập sâu gây thiệt hại diện tích xuống giống, nên chờ giảm mưa mới gieo trồng”.

Quay ngược về xã Mỹ Hương (Mỹ Tú), chúng tôi nhận thấy nông dân đang vào giai đoạn thu hoạch lúa rộ. Nhiều diện tích lúa bị ngập trong nước nên bà con phải dầm mưa để tranh thủ cắt lúa bằng tay để “tránh bão” gây thất thoát sản lượng lúa. Gạt những giọt nước mưa chảy xuống mặt, chị Nguyễn Thị Ngân, ấp Xẻo Gừa, xã Mỹ Hương tâm tình: “Nông dân quanh năm gắn bó ruộng đồng, chỉ cầu mong mưa thuận gió hòa để có vụ mùa bội thu, đó là niềm vui lớn lao nhưng giờ làm nông khó quá. Giá cả các loại nông sản bấp bênh và nỗi sợ nhất của người nông dân là thời tiết, giờ đây đã không thể lường được để tránh. Bởi thời tiết diễn biến quá phức tạp, hết chịu đợt hạn năm 2016, lại đến đúng thời điểm thu hoạch lúa cuối năm 2018 đầu năm 2019 gặp ngay tình trạng mưa, áp thấp nhiệt đới, rồi bão”.

Theo lời chị Ngân, gia đình chị có 7 công đất lúa, do mưa lớn trong những ngày qua làm lúa ngã đổ hơn 60% diện tích, số lúa ngã đành phải cắt tay trước, còn lúa đứng chắc ráng “neo” chờ xem cơn bão số 1 qua gọi máy đến gặt. “Giờ tôi nghe bà con cắt lúa bằng tay thương lái họ không mua vì chê lúa xấu, còn lúa gặt máy lái họ bỏ cọc 5.700 đồng/kg nhưng giờ họ giảm giá xuống 5.300 đồng/kg. Tôi cũng chẳng biết tính sao, lúa cắt tay lái họ không mua chắc phải tìm lò sấy sấy khô xong mới bán, xem như vụ lúa Đông - Xuân ăn Tết thua trắng tay” - chị Ngân buồn rầu cho biết thêm.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Võ Minh Quân thông tin, vụ Đông - Xuân này, toàn huyện xuống giống hơn 22.000ha, hiện tại lúa đã thu hoạch hơn 60% diện tích, số còn lại đang giai đoạn thu hoạch. Theo ước tính diện tích lúa bị đổ ngã do mưa, áp thấp nhiệt đới hơn 1.000ha, tập trung nhiều nhất ở xã Mỹ Hương vì địa phương này đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, việc đổ ngã lúa sẽ làm thiệt hại năng suất từ 5% - 10%, kéo theo đó, giá rớt xuống từ 100 đồng - 300 đồng/kg lúa. Ngoài lúa bị thiệt hại do mưa bão, diện tích lúa đã gieo sạ trên 10 ngày tuổi và đang giai đoạn xuống giống ảnh hưởng khá nặng, đặc biệt tại các xã vùng trũng trên địa bàn huyện, chỉ có những khu vực có trạm bơm lúa không bị ảnh hưởng, còn các khu vực ngoài trạm bơm bà con nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù các cống đã triển khai việc xả nước liên tục trên các cánh đồng nhưng vẫn không thể rút nước trên ruộng, bởi lượng nước mưa đổ xuống quá nhiều. Để khắc phục tình trạng nước ngập làm úng chết lúa non, đơn vị đã khuyến cáo hộ dân gia cố lại các bờ bao quanh ruộng lúa, đặt máy bơm nước ra cứu phần diện tích lúa non còn lại; phần xuống giống mới thì vận động hộ dân chậm lại vài ngày, chờ qua các cơn mưa sẽ lên lịch xuống giống cho hộ dân nhằm tránh thiệt hại.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tổng diện tích toàn tỉnh vụ Đông - Xuân gieo trồng hơn 132.000ha, trong đó diện tích đã thu hoạch hơn 20.000ha và diện tích lúa bị đổ ngã gần 7.300ha, tập trung ở các huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú và Châu Thành; trong đó, Mỹ Tú có diện tích đổ ngã hơn 1.000ha, Long Phú 685ha, Kế Sách 665ha, phần diện tích còn lại của Châu Thành. Đồng thời, số lúa đổ ngã từ 5% - 30% chiếm diện tích hơn 1.900ha, đổ ngã 30% - 70% chiếm diện tích hơn 5.200ha.

Theo dự báo thời tiết trong vài ngày tới, các cơn mưa do ảnh hưởng cơn bão số 1 vẫn diễn ra liên tục. Chính vì vậy, bà con nông dân cần có tính toán hợp lý trong việc thu hoạch lúa cũng như biện pháp khắc phục diện tích lúa non để đảm bảo vụ mùa tiếp theo đạt năng suất tốt. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cần tăng cường các khuyến cáo hỗ trợ hộ dân trong việc thu hoạch lúa và cứu diện tích lúa đã và đang xuống giống tại các địa phương.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: