• Nông nghiệp

GÓC NHÌN KINH TẾ

Nông sản sạch và "cái tôi" lợi ích

08/01/2018 07:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 08/01/2018 | 07:00

STO - Có 2 trạng thái trái chiều nhưng luôn tồn tại song song ở cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất về sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch mà nguyên nhân sâu xa chủ yếu xuất phát từ “cái tôi lợi ích”.

Cây ăn trái Việt Nam dù đa dạng và có chất lượng nhưng do chưa có nhiều diện tích sản xuất theo quy trình sạch, nên lượng xuất khẩu vẫn còn hạn chế.

Đối với người tiêu dùng, tuy luôn lo sợ sản phẩm không an toàn, nhưng lại ít quan tâm đến nguồn gốc, thậm chí là không muốn trả cao hơn cho sản phẩm được đảm bảo an toàn. Còn người sản xuất dù biết rằng, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học là hại người, hại mình, nhưng vẫn “vô tư” sử dụng vì muốn có lợi nhuận cao. Cả 2 trạng thái trái chiều trên đều xuất phát từ việc cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất đều không muốn chia sẻ lợi ích cho nhau để cả 2 cùng được an toàn.

Chính từ cái tôi lợi ích quá lớn này cùng với nền sản xuất mang tính tự phát, không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn đã dẫn đến tình trạng nông sản do nông dân làm ra ngày càng nhiều, nhưng việc tiêu thụ thì ngày càng khó do không đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường, còn doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thì lại không biết tìm đâu ra đủ nguồn hàng đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của đối tác...

Trở lại với người sản xuất, đã có không ít ý kiến phê phán, thậm chí là lên án họ là đầu độc sức khỏe người tiêu dùng, là hủy hoại môi trường… nhưng vấn đề là vì sao đã được tuyên truyền, tập huấn, họ vẫn không chịu thay đổi quy trình sản xuất để sản phẩm của mình được tốt hơn, an toàn hơn? Câu trả lời ở đây có cả vấn đề lợi nhuận của người sản xuất lẫn tâm lý của người tiêu dùng.

Trước hết xin nói về lợi nhuận của người sản xuất. Sở dĩ người viết nêu vấn đề này vì có những quy trình sản xuất nông sản an toàn vẫn cho năng suất cao, còn chi phí chỉ từ bằng đến thấp hơn sản phẩm không an toàn, nhưng khi đưa ra thị trường lại rất khó tiêu thụ, do mẫu mã không được tươi tốt. Trong khi đó, sản phẩm không an toàn lại rất bắt mắt người tiêu dùng nhờ có sự “trợ giúp” từ phân bón, chất kích thích tăng trưởng, thậm chí là cả thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại.

Rau màu luôn là mối lo mất an toàn lớn nhất đối với người tiêu dùng do phần lớn vẫn còn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học không đúng quy trình.

Cũng còn một vấn đề khác là tâm lý của người sản xuất khi làm ra sản phẩm an toàn lúc nào họ cũng muốn bán với giá cao hơn từ vài chục phần trăm so với sản phẩm không an toàn, vì theo họ, làm sản phẩm an toàn khó hơn, tốn nhiều công sức hơn. Do đó, ngay từ khi mới làm ra sản phẩm an toàn, sự kỳ vọng của họ không được thị trường đáp ứng, khiến họ dễ chán nản, quay về với lối sản xuất cũ. 

Ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An chuyên xuất khẩu chuối sang thị trường Nhật chia sẻ: “Ngay cả thị trường Nhật, họ luôn yêu cầu sản phẩm chuối của mình phải đạt chất lượng cao, nhưng giá thì không hơn ở các siêu thị Việt Nam, thậm chí là rẻ hơn. Hiện tại, 4 trái chuối Fohla của công ty được bán lẻ tại thị trường Nhật chỉ với giá 198 yên Nhật, tức khoảng 40.000 đồng - tương đương với giá bán lẻ tại Việt Nam”.

Trong khi người sản xuất sản phẩm an toàn luôn muốn bán được giá cao thì người tiêu dùng lại chưa sẵn sàng trả cho mức giá này đối với sản phẩm an toàn sản xuất trong nước, nhưng lại sẵn sàng trả một cái giá rất cao cho sản phẩm nhập khẩu. Và, dù rất quan tâm đến sức khỏe gia đình, nhưng phần đông người tiêu dùng vẫn chọn mua sản phẩm theo tiêu chí đầu tiên là tươi tốt, bắt mắt và sau đó mới là giá cả phù hợp, còn nguồn gốc, xuất xứ thì ít khi họ quan tâm. 

Một khi cầu vẫn còn, cung ắt vẫn sẽ tồn tại, hay nói cách khác, sự tồn tại của những sản phẩm không an toàn có một phần không nhỏ sự “tiếp tay” của người tiêu dùng. Có thể có ý kiến chưa đồng tình với người viết ở luận điểm này, nhưng công bằng mà nói, chính sự dễ dãi trong chọn mua sản phẩm của người tiêu dùng đã phần nào “khuyến khích” nông dân chưa cự tuyệt với kiểu sản xuất không an toàn. Cứ nhìn vào các mặt hàng nông sản được bày bán ở các chợ sẽ không khó để nhận ra đâu là sản phẩm không an toàn, bởi đa số đều không có nhãn mác, bao bì hay chứng nhận sản phẩm an toàn.

Chỉ với mỗi vấn đề được sản xuất sạch, được ăn sạch thôi cũng đã là quá khó và để có được điều này, theo người viết, bên cạnh việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật… một vấn đề không kém phần quan trọng là cần thay đổi tâm lý, thói quen của người tiêu dùng để làm sao những sản phẩm an toàn được bán đúng với giá trị thực của nó, còn sản phẩm không đảm bảo an toàn sẽ không còn nơi tiêu thụ. Khi đó, người sản xuất buộc phải sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn, bởi nếu không, sản phẩm của họ sẽ không thể tiêu thụ được.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: