• Nông nghiệp

Nông, thủy sản và đường đến với cơ hội EVFTA

22/07/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 22/07/2020 | 06:00

STO - Từ ngày 1-8, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (gọi tắt là EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường này, khi thuế suất nhập khẩu giảm mạnh, thậm chí chỉ là 0%. Tuy nhiên, mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam có đến được các cơ hội từ EVFTA hay không đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn không chỉ ở doanh nghiệp xuất khẩu mà còn cả nông, ngư dân nữa.

Khai thác biển muốn tận dụng cơ hội từ EVFTA, trước hết cần nhanh chóng đổi màu chiếc thẻ vàng IUU sang thẻ xanh.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cánh cửa xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng cũng trở nên hẹp hơn. Và đó cũng là lý do vì sao EVFTA lại được mọi người kỳ vọng sẽ là cứu cánh để hàng hóa Việt Nam (trong đó có hàng nông, thủy sản) xâm nhập vào một trong những thị trường lớn của thế giới là EU. Tuy nhiên, ưu đãi bao giờ cũng đi kèm với các điều kiện và EVFTA cũng không là ngoại lệ, nên “chiếc đũa thần” mở cánh cửa cho các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam vào thị trường EU phải do chính doanh nghiệp và người sản xuất nông, thủy sản Việt Nam tạo ra.

Được kỳ vọng nhiều nhất có lẽ phải kể đến các mặt hàng thủy sản (khai thác và nuôi trồng), bởi EU vốn dĩ đã là 1 trong 4 thị trường tiêu thụ chủ lực hàng thủy sản của Việt Nam. Nhưng không phải đợi đến khi EVFTA có hiệu lực mà ngay từ nhiều năm trước, hàng thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào EU đã khá chật vật với các quy định nghiêm ngặt của thị trường này. Hiện nay, chiếc thẻ vàng về khai thác trái phép và không khai báo (IUU) mà EU đã dành cho hàng thủy sản khai thác biển của Việt Nam vẫn còn treo lơ lửng, khiến không ít mặt hàng khai thác biển gặp rất nhiều khó khăn, doanh số xuất khẩu sụt giảm mạnh tại thị trường này. Vì vậy, cơ hội từ EVFTA chỉ thực sự đến với hàng thủy sản khai thác khi chúng ta đổi màu chiếc thẻ vàng IUU thành thẻ xanh theo đúng yêu cầu của EU.

Rau, củ, quả, trái cây cần được sản xuất tập trung theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để có thêm cơ hội xuất khẩu vào EU khi EVFTA có hiệu lực.

Khá hơn hàng khai thác biển, con tôm nước lợ những năm gần đây đã xâm nhập khá mạnh thị trường EU nhờ mức thuế ưu đãi (GSP), nhưng không phải doanh nghiệp xuất khẩu tôm nào cũng khai thác được cơ hội từ ưu đãi thuế này. Một trong những rào cản lớn nhất của con tôm nước lợ ở thị trường này, trước hết là tôm nuôi phải đạt tiêu chuẩn ASC và gần đây có thêm quy định không tồn dư chất Ethoxyquyn. Trong khi đó, số diện tích tôm nuôi đạt tiêu chuẩn ASC tại Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung đến nay còn rất thấp, nên số lượng tôm xuất khẩu vào thị trường này cũng bị hạn chế, dù giá cả là khá cao và tương đối ổn định.

Bên cạnh thủy sản, các sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả và trái cây của Việt Nam muốn tận dụng được lợi thế từ EVFTA điều cần làm trước tiên là phải được sản xuất theo một quy trình sạch, đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và quốc tế. Không nói đâu xa, EU cũng tiêu thụ một lượng gạo khá lớn, nhưng hầu như có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chen chân được vào thị trường này, mà nguyên nhân chính là do sản phẩm còn tồn dư các chất cấm theo quy định của EU. Tới đây, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU dành ngay mức hạn ngạch 80.000 tấn cho hạt gạo Việt Nam. Đây là mức hạn ngạch tương đối thấp so với một cường quốc xuất khẩu gạo như Việt Nam, nhưng chỉ cần những lô hàng đầu tiên trong hạn ngạch này đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU, chắc chắn nó sẽ được nâng lên trong những lần sau.

Như vậy có thể thấy, con đường đến với cơ hội EVFTA của các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam không hẳn chỉ đến từ sự ưu đãi về thuế suất mà quan trọng là chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng khả năng truy xuất nguồn gốc dễ dàng theo đúng các quy định của thị trường EU. Do đó, nếu chỉ có sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đổi mới trang thiết bị, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế không thôi là chưa đủ, mà cái chính là mỗi sản phẩm nông, thủy sản đều phải ngon và sạch ngay từ khâu sản xuất. Đây là vấn đề khó, nhưng buộc chúng ta phải làm và phải làm một cách thực chất, chứ không chỉ làm mang tính đối phó. Có như vậy, chúng ta mới chứng minh uy tín chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm mình với người tiêu dùng EU.

Cơ hội cho các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam ở thị trường EU là rất lớn và rất rõ ràng, vấn đề còn lại là hành động của chúng ta như thế nào để nắm bắt, khai thác tốt cơ hội này, mở đường cho nông, thủy sản Việt Nam ngày một đi xa hơn, thúc đẩy nông nghiệp ngày một phát triển hơn, đời sống nông, ngư dân ngày một cao hơn.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: