• Nông nghiệp

Nước ngọt về, tín hiệu vui cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp

09/03/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 09/03/2020 | 13:30

STO - Trong suốt một tháng qua, độ mặn lên cao nên việc lấy nước vào của một số hộ dân nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi Viện Khoa học thủy lợi miền Nam có những thông tin về việc có nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, ngành nông nghiệp đã tăng cường khuyến cáo người dân tích trữ nước ngọt cùng với đó là vận hành mở cống để lấy lượng nước ngọt vào dự trữ, ứng phó với các đợt hạn, mặn trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết khảo sát thực tế việc mở cống lấy nước ngọt vào tại cống Bà Xẩm (Long Phú - Tiếp Nhật) huyện Long Phú. Ảnh: THÚY LIỄU

Vui mừng khi mấy ngày qua lượng nước ngọt dồi dào trên sông giúp cho việc lấy nước vào vườn cây ăn trái tích trữ thuận lợi, ông Nguyễn Văn Hai, ở ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa (Kế Sách) chia sẻ: “Chưa có năm nào hạn, mặn đến sớm như năm nay. Ai cũng biết Kế Sách là địa phương có nguồn nước ngọt quanh năm nhưng từ đợt mặn năm 2016 đã ảnh hưởng nhiều đến vườn cây ăn trái của người dân, nên chúng tôi luôn theo dõi sát tình hình dự báo khi mùa khô đến. Năm nay, mặn đến sớm cũng đã ảnh hưởng đến vườn vú sữa của gia đình tôi. Tháng trước do không đo độ mặn mà lấy nước tưới vườn đã làm ảnh hưởng năng suất vú sữa 30%, như: làm trái bị thối, bị đốm đen. Kể từ đó, mỗi khi lấy nước vào vườn, tôi đo độ mặn và khi độ mặn thấp mới dám lấy nước tưới cho vườn. Khoảng 2 ngày nay, tôi đã tích trữ đủ lượng nước để tưới cho vườn cây ăn trái trong vòng 1 tháng tới…”.

Ông Nguyễn Văn Thiên - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, xã Xuân Hòa (Kế Sách) chia sẻ: “Thuận lợi của vùng đất Kế Sách là có nguồn nước ngọt dồi dào, quanh năm nhưng hiện tại thì nước ngọt không còn như xưa, thể hiện rõ nhất là vào các tháng mùa khô, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc sản xuất cây ăn trái của nhà nông. Trên địa bàn xã chỉ chuyên canh các loại cây ăn trái nên hầu hết tại các vườn cây đều có mương dự trữ nước. Rút kinh nghiệm đợt hạn, mặn năm 2016, bà con nông dân thường đo độ mặn trong các tháng mùa khô để lấy nước tưới cho cây ăn trái. Khoảng một tháng trở lại đây, nước mặn lên cao, tôi đóng bọng ngăn nước mặn vào vườn. Nghe thông tin của địa phương, độ mặn xuống trong ngày 1-3, tôi đã lấy nước dự trữ đầy các ao vườn và hiện tại độ mặn đo trong ngày 3-3 là 0,2‰. Đây là nước tốt nên tất cả thành viên hợp tác xã đã tích cực trữ nước, để dành tưới cây, ứng phó các đợt mặn tiếp theo…”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho biết: “Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ ngày 1-3 đến 6-3 có nguồn nước ngọt từ thượng nguồn về, do đó ngành nông nghiệp chỉ đạo Chi cục Thủy lợi cũng như Công ty Cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng vận hành liên tục hệ thống cống Long Phú - Tiếp Nhật từ ngày 1 đến nay. Đặc biệt từ ngày 4-3 trở đi, khuyến cáo một số xã thượng nguồn Kế Sách tích cực lấy nước dự trữ tưới cho cây ăn trái. Riêng vùng Long Phú - Tiếp Nhật sau khi tiếp cận nước từ ngày 1-3 thì tiếp tục cập nhật đo độ mặn để lấy nước ngọt, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất màu, phát triển trồng cỏ nuôi bò. Chính vì vậy, đề nghị các địa phương và người dân tranh thủ các ngày có nước ngọt trữ nước, bởi qua ngày 7 đến ngày 15 cũng như trung tuần tháng 3, hạn, mặn gay gắt sẽ về khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Sóc Trăng. Do đó, ngành sẽ chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan tranh thủ mọi lúc nhằm lấy nước để giải quyết khó khăn nguồn nước; những giai đoạn tiếp theo sẽ căn cứ vào thông tin của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam để nắm tình hình, kịp thời lấy nước và thời gian lấy nước trong ngày 6-3…”.

Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng Lê Bá Khiết cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị đã tiến hành mở cống Bà Xẩm trong hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật lấy nước từ ngày 1-3. Trước khi lấy nước vào cống, tiến hành đo độ mặn, thấy nước thích hợp mới mở cống cho nước vào. Việc mở cống, ngoài phục vụ lấy nước tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp của người dân còn góp phần cho tàu ghe lưu thông thuận lợi; vệ sinh môi trường nước bằng cách lấy nước vào và xả nước ra, giúp hệ thống trong cống sạch sẽ hơn và thêm phần giảm sạt lở. Qua đó, công ty tiếp tục phân công nhân viên đo nước ngày đêm về độ mặn để đóng - mở cống kịp thời. Riêng cống Cái Oanh hiện độ mặn đo trong ngày 3-3 còn cao. Tuy nhiên, sẽ đo độ mặn liên tục, nếu độ mặn xuống thấp tranh thủ mở cống lấy nước vào…”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: