• Nông nghiệp

Phát triển đàn heo phục vụ nhu cầu thị trường

18/04/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo sóc trăng
  • Chủ Nhật, 18/04/2021 | 06:00

STO - Thời gian qua, do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo châu Phi nên số lượng đàn heo nuôi sinh sản và nuôi thịt trên địa bàn tỉnh giảm so với các năm trước. Cùng với đó là nhiều hộ dân cũng ngán ngại việc tái đàn heo, phần vì sợ dịch bệnh, phần vì giá heo giống tăng cao. Mặc dù giá thịt heo hơi tăng nhưng tính ra giá thức ăn và giá con giống thì heo thịt nuôi sau khoảng vài tháng xuất bán, hộ nuôi thu lợi nhuận chưa nhiều. Tuy nhiên, với những hộ nuôi heo sinh sản, đây được xem là thời cơ tốt để họ phát triển đàn, cung cấp con giống ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập tốt tại hộ.

Chị Lý Thị Hiền (Mỹ Tú) đã bắt đầu tái đàn heo. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo thống kê của ngành chuyên môn, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 140.000 con, trong đó đàn heo thịt gần 109.000 con, heo nái hơn 16.600 con, heo nọc 128 con và heo con gần 12.600 con. Theo đó, có 78 trang trại chăn nuôi heo tập trung tại các huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, Mỹ Xuyên và TP. Sóc Trăng. Bên cạnh các hộ chăn nuôi heo số lượng lớn theo hình thức trang trại, gia trại thì vẫn còn nhiều hộ dân phát triển đàn heo sinh sản tại hộ với quy mô nhỏ (từ 3 - 10 con) để cung ứng cho hộ dân có nhu cầu chăn nuôi heo thịt xuất bán ra thị trường.

Ghé tham quan chuồng chăn nuôi heo của bà Lý Thị Hiền, ấp Bét Tôn, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) ngay lúc bà đang vệ sinh chuồng chăn nuôi heo, bà Hiền bộc bạch: “Tôi nuôi heo hơn chục năm, lúc nào trong chuồng nuôi cũng có từ 3 - 5 heo nái sinh sản. Số lượng heo con được con nái sinh ra vừa nuôi bán heo thịt vừa cung ứng con giống cho bà con quanh xóm. Qua mấy năm liền heo bị bệnh tai xanh, rồi đến dịch tả heo châu Phi, đàn heo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vốn nuôi heo cạn kiệt nên tôi ngừng tái đàn heo trong 2 năm (kể từ ngày có bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh). Hiện tại, thấy tình hình dịch bệnh trên heo ổn định, tôi quyết định mua 5 con heo nuôi sinh sản, đàn heo phát triển tốt, vài tháng tới heo sẽ sinh sản bán được heo giống sẽ có nguồn thu nhập ổn định…”.

Cũng là hộ chăn nuôi heo sinh sản mấy mươi năm, bà Hứa Thị Sà Vựa, ấp Bét Tôn, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) tâm tình: “Trong đợt heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ nuôi heo gần nhà điêu đứng. Riêng đàn heo nái của gia đình tôi vẫn phát triển tốt và sinh sản đều đều vài chục con/lứa/3 con nái. Chính vì vậy, đàn heo giống của tôi đã cung cấp cho nhiều hộ trong xóm tái đàn heo sau dịch bệnh. Theo tôi, một trong những nguyên nhân giúp đàn heo sinh sản đề kháng tốt dịch bệnh là vệ sinh chuồng sạch sẽ, cho heo ăn thức ăn là gạo nấu thành cháo, bổ sung thêm các loại rau xanh và tiêm phòng các loại vắc xin cần thiết theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, hạn chế người lạ ra vào chuồng nuôi mùa dịch bệnh. Với 2 con heo nái, sinh sản 2 đợt/năm, thu về số heo con khoảng 50 con/năm, heo sinh sản khoảng 40 - 50 ngày tuổi là có thể xuất bán, giá bán 3 triệu đồng/con. Đồng thời, nhằm tăng số lượng heo sinh sản để bán heo giống cho bà con, tôi đang dành ra 3 con heo nuôi sinh sản, tăng số lượng heo mẹ sinh sản lên 4 con mới đáp ứng tốt nhu cầu về con giống cho nhiều hộ nuôi…”.

Đồng chí Phạm Minh Tú - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú thông tin: “Trước khi bệnh dịch tả heo châu Phi (năm 2019), trên địa bàn huyện có số đàn heo trên 24.000 con, với hàng chục trang trại, gia trại nuôi heo sinh sản, heo thịt số lượng lớn từ hàng chục đến hàng trăm con. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên số lượng đàn heo bị giảm xuống tầm 12.000 con trong dịp tết. Sau Tết Nguyên đán 2021, số lượng heo giảm còn hơn 10.000 con, bởi lượng heo thịt đã xuất bán trong dịp tết. Số lượng hộ nuôi theo hình thức trang trại đã chuyển sang chăn nuôi vật nuôi khác, chỉ còn số ít gia trại chăn nuôi có quy mô từ 50 - 70 heo sinh sản, heo thịt. Tuy vậy, một số hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn duy trì đàn heo thịt theo quy mô hộ vài con để bán heo thịt nhằm đảm bảo số lượng thực phẩm heo thịt cung ứng cho người tiêu dùng. Song song đó, nhiều hộ chăn nuôi bắt đầu phát triển đàn heo nuôi sinh sản quy mô từ 3 - 5 con nái để cung ứng con giống cho các hộ nuôi khác. Vì vậy, số lượng đàn heo đang có chiều hướng tăng nhẹ so với thời điểm trước…”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lâm Minh Hoàng khuyến cáo, hộ chăn nuôi heo trước khi tái đàn heo cần chọn giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; trong quá trình nuôi phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho đàn heo theo từng giai đoạn tăng trưởng; bổ sung các loại vitamin cần thiết theo hướng dẫn của ngành chuyên môn để tăng sức đề kháng heo nuôi cũng như tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng tránh các loại dịch bệnh trên heo, đặc biệt thời tiết nắng nóng như hiện nay, hộ nuôi heo cần chú ý việc chống nóng cho heo như đảm bảo chuồng trại cao ráo, thông thoáng, vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ; bảo vệ môi trường nuôi xung quanh bằng việc xây các hầm ủ biogas...

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: