• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Phía sau những cuộc buông bỏ

24/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 24/09/2019 | 06:00

STO - Mỗi mô hình, đối tượng cây trồng, vật nuôi thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao ngay lập tức được nông dân “nhân bản” nhanh chóng và ngược lại, nếu không thấy hiệu quả, họ sẵn sàng buông bỏ, tìm kiếm đối tượng, mô hình cây trồng, vật nuôi khác để thay thế. Những cuộc buông bỏ ấy cho thấy sự nhạy bén của nông dân trước thị trường, dù không phải lúc nào kết quả mang lại cũng như mong đợi của họ.

Mô hình tôm – lúa đã chứng minh tính hiệu quả và bền vững, giúp nông dân ổn định sản xuất và thu nhập. 

Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ, khi con tôm được sinh sản nhân tạo thành công, giá con giống, thức ăn rẻ bèo, lại rất dễ nuôi, cho ăn gì cũng lớn, mà giá bán ít gì cũng trên trăm ngàn đồng mỗi ký, nên ai thấy cũng mê, cũng đeo theo con tôm sú. Một cuộc buông bỏ mới bắt đầu, khi lần lượt những cây dừa nước, chà là và thậm chí là cả cây lúa, cây màu đã phải ngậm ngùi rời xa vùng mặn, lợ để nhường chỗ cho nông dân đào ao nuôi sú. Đất mới, nguồn nước vùng nuôi chưa hề bị ô nhiễm, nên chỉ cần kỹ thuật đơn giản và kinh nghiệm truyền miệng, nông dân nuôi sú vẫn có lời nhiều, giấc mơ giàu có nhanh chóng thành hiện thực.

Càng dễ kiếm lời, càng thôi thúc nông dân mở rộng diện tích, gia tăng mật độ thả nuôi, nên phải sử dụng nhiều thức ăn công nghiệp, hóa chất xử lý… dẫn đến giá cả vật tư đầu vào tăng lên, môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh, tôm thiệt hại ngày càng tăng, trong khi giá tôm thì tăng không đáng kể. Khó khăn, nợ nần bắt đầu len lỏi vào tận ngõ ngách của những vùng nuôi tôm, biến không ít nông dân từ chỗ khá giàu, phút chốc trở thành con nợ. Vậy là lại tiếp tục buông bỏ lần thứ 2. Một số diện tích nuôi tôm sú bắt đầu được chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, số khác nghĩ tới chuyện bền vững bằng mô hình luân canh 1 vụ tôm + 1 vụ lúa. Cũng nhờ sự buông bỏ lần thứ 2 một cách kịp thời và phù hợp, nên hiệu quả sản xuất của nông dân vùng mặn, lợ dần được cải thiện, nợ nần giảm xuống, một số bắt đầu vươn lên khá giàu.

Nhờ biết buông bỏ giống bưởi năm roi để chuyển sang bưởi da xanh, nông dân trồng bưởi ở Kế Sách gia tăng đáng kể lợi nhuận hàng năm. 

Sự buông bỏ đối với nông dân gần như đã thành thông lệ mỗi khi lợi nhuận của họ giảm xuống hay chỉ mới trong điều kiện bị đe dọa suy giảm, bởi với họ, mục tiêu cao nhất là làm sao đạt được mức lợi nhuận cao nhất trên cùng đơn vị diện tích. Đơn cử như vùng phèn trũng thuộc các xã của huyện Mỹ Tú, như: Mỹ Phước, Long Hưng, Hưng Phú… trước đây, nông dân chỉ biết có mỗi cây tràm là kinh tế chủ lực. Tuy nhiên, khi chương trình mía của Chính phủ được triển khai, các nhà máy đường trong tỉnh và khu vực bắt đầu mọc lên, cùng với đó là giá tràm giảm mạnh, khó bán, nên nông dân các xã này cũng sẵn sàng buông bỏ cây tràm để đến với cây mía và liên tục có lợi nhuận khá so với cây tràm.

Rồi giá mía lại trồi sụt thất thường, trong khi một số cây có múi như: cam sành, cam xoàn, quýt đường… có giá cao, một số nông dân lại tiếp tục buông bỏ cây mía để đến với những loại cây có múi này và không ít người có thu nhập bạc tỉ chỉ sau 2 - 3 mùa thu hoạch. Như một biểu đồ hình sin, khi lợi nhuận từ cây có múi đạt đến đỉnh điểm (có hộ thu nhập cả tỉ đồng/ha/năm), giá cam, quýt thi nhau giảm dần, cộng thêm dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại nặng, khiến không ít nông dân thất vọng muốn tìm đường buông bỏ. Và một số đã bắt đầu buông bỏ, khi mới trung tuần tháng 9 này có dịp về lại Long Hưng, người viết được một số nông dân trồng cây có múi và cây mía cho biết họ đang đưa cây tràm trở lại để thay thế cho 2 loại cây trồng trên vì hiện nay tràm đang rất có giá.

Còn nhiều và rất nhiều những cuộc buông bỏ khác của nông dân trong tỉnh nói riêng và khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cao hơn để cải thiện đời sống, trong đó, có cả sự buông bỏ nghề nông để chuyển sang làm dịch vụ hay công nhân tại các khu công nghiệp. Ngay trên vùng bưởi năm roi của huyện Kế Sách dù nổi tiếng chất lượng cao, rất được thị trường ưa chuộng, nhưng nhà vườn vẫn sẵn sàng buông bỏ loại cây trồng này để chuyển sang “người anh em” của chúng là giống bưởi da xanh, khi thấy giống bưởi này cho năng suất và giá bán cao hơn nhiều. Còn tại những vùng trồng lúa của tỉnh, hàng loạt giống lúa cũ, năng suất, chất lượng kém, nhiễm sâu bệnh nhiều cũng được nông dân buông bỏ để chuyển sang các giống lúa thơm, lúa Nhật… có năng suất và giá bán cao hơn.

Có thể thấy, hành trình của những cuộc buông bỏ trong nông dân gần như là bắt buộc bởi nó gắn liền với miếng cơm, manh áo và cả tương lai của gia đình họ. Và trong cuộc hành trình đó, dù không thiếu những thành công hay thất bại, nhưng nó cho thấy tính linh hoạt, sự nhạy bén của nhà nông, chứ không hẳn là họ không chịu, hay ít thay đổi như một số người thường nhận định. Hy vọng, với sự linh hoạt và nhạy bén đó của nông dân cùng với những chủ trương, quyết sách kịp thời, phù hợp của ngành chức năng sẽ giúp những cuộc hành trình buông bỏ của nhà nông trong thời gian tới đây luôn là sự bứt phá vươn tới đỉnh cao của chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: