• Nông nghiệp

Phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên cây trồng

02/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 02/02/2020 | 06:00

STO - So cùng kỳ năm 2018, tình hình xâm nhập mặn năm 2019 diễn ra sớm hơn gần 1 tháng và bắt đầu xâm nhập vào giữa tháng 11, độ mặn đo được cao nhất vào trung tuần tháng 12-2019 tại các trạm đo trên sông Hậu tại Trần Đề 20,5‰, Long Phú 14,2‰; Đại Ngãi 10,7‰; trên sông Mỹ Thanh tại Thạnh Thới Thuận 11,4‰… Dự báo, trong thời gian tới mặn sẽ còn xâm nhập sâu vào nội đồng, khả năng ảnh hưởng đến sản xuất là rất cao...

Theo thống kê, diện tích lúa vụ Đông - Xuân chính vụ trên 30.000ha, tập trung ở Trần Đề, Mỹ Xuyên và TP. Sóc Trăng, có khả năng thiếu nước vào cuối vụ do thu hoạch qua Tết Nguyên đán, đặc biệt lo ngại nhất là trên diện tích 35.000ha lúa vụ Đông - Xuân muộn có khả năng bị ảnh hưởng và thiếu nước tưới; còn đối với cây ăn trái, có một số diện tích tại các huyện: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, khu vục ven sông Hậu có khả năng bị ảnh hưởng.

Để bảo vệ diện tích cây trồng và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất bởi hạn hán, xâm nhập mặn, đồng chí Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các công việc như: quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước tại các công trình đầu mối quan trọng để vận hành đóng mở cửa cống đảm bảo không để mặn xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vận hành hệ thống cống, tích cực trữ nước ngọt, ngăn mặn, công bố lịch vận hành cống rộng rãi trên các hệ thống thông tin, đảm bảo được giao thông thủy nhưng không thất thoát nước ngọt cho sản xuất; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát; trong giai đoạn hạn mặn diễn biến gay gắt cần ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.

Thường xuyên quan trắc nguồn nước để kịp thời đóng cống trữ nước ngọt phục vụ cho việc tưới tiêu các cây trồng. Ảnh: Thúy Liễu

Đồng thời, khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để có biện pháp duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống hạn mặn đang xây dựng để đưa vào vận hành, khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2019 - 2020; đồng thời khuyến cáo người dân phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa vào các kênh mương, ao đầm, khu vực trũng ở bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, rạch.

Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nêu các giải pháp kỹ thuật bảo vệ cây trồng trên cây lúa trong vụ Mùa 2019 - 2020, khuyến cáo bà con cần trữ nước ngọt trong các kênh, ao nuôi tôm để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho cây lúa giai đoạn trổ - chín, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào đồng ruộng. Vụ Đông - Xuân 2019 - 2020 muộn, tại vùng Dự án Long Phú - Tiếp Nhựt (huyện Trần Đề và một phần huyện Long Phú giáp Dự án Kế Sách) và các vùng sử dụng nước trời như Mỹ Xuyên, TP. Sóc Trăng, bà con nông dân tuyệt đối không xuống giống lúa trong vụ Đông - Xuân muộn nên chuyển đổi sang cây trồng cạn.

Đối với vùng hở Dự án Kế Sách (huyện Kế Sách, một phần huyện Châu Thành) và các vùng có diện tích canh tác vụ Đông - Xuân muộn của huyện Mỹ Tú và Thạnh Trị, nếu nguồn nước ngọt trên các kênh rạch nội đồng đủ khả năng phục vụ cho sản xuất thì mới xuống giống, cần sử dụng các giống cấp xác nhận, giống chịu mặn, ngắn ngày, thích nghi với điều kiện hạn, mặn để canh tác. Nếu trên các kênh rạch nội đồng không đủ nước, người dân không được xuống giống, nên chuyển đổi sang các loại cây trồng khác ngắn ngày và có khả năng chịu hạn. Đối với vùng kênh Quản lộ Phụng Hiệp (giáp ranh tỉnh Bạc Liêu), địa phương cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bạc Liêu trong việc vận hành cống, theo dõi chặt chẽ lịch đóng mở cống của Bạc Liêu để thông báo kịp thời cho người dân chủ động bơm trữ nước vào ruộng trước khi mặn xâm nhập.

Trên rau màu, kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, sử dụng màng phủ để giữ ẩm cho đất, ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm; áp dụng các biện pháp sinh học trong canh tác như sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu.

Riêng trên cây ăn trái, kiểm tra, củng cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống bọng của mỗi vườn tránh nước xâm nhập vào vườn; dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn trái khi nước mặn xâm nhập. Khi có nguy cơ bị hạn, mặn, sử dụng nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình...) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc cây để giữ ẩm cho cây, cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước; củng cố hệ thống đê bao và đê chung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước; tuyệt đối không tưới nước có độ mặn > 1‰ cho cây ăn trái; không rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán khi nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.

Với những thông tin đánh giá tình hình cũng như nêu cụ thể các giải pháp khuyến cáo cho từng vùng, từng địa phương, mong rằng các địa phương và người dân tuân thủ theo các khuyến cáo trên để bảo vệ tốt diện tích cây trồng trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra…

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: