• Nông nghiệp

Phương pháp bảo vệ cây trồng trong mùa hạn, mặn

12/03/2020 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 12/03/2020 | 06:02

STO - Do tình hình hạn, mặn đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến diện tích cây trồng, đặc biệt là trên các loại cây ăn trái, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp hữu hiệu bảo vệ cây trồng như hướng dẫn tưới tiết kiệm nước và triển khai thử nghiệm mô hình cây ăn trái chống chịu mặn…

Theo thống kê, diện tích cây ăn trái của toàn tỉnh hơn 31.000ha, bao gồm các loại cây trồng, như: bưởi, cam, quýt, chanh, xoài, nhãn, mãng cầu, măng cụt, sầu riêng, vú sữa… Đây được xem là cây ăn trái đặc sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, nhiều loại cây ăn trái trên đã đạt chứng nhận VietGAP và được cấp mã số vùng trồng. Xét thấy giá trị kinh tế cao, thời gian cho trái khoảng từ 3 năm trở lên nên cây ăn trái được xem là “đối tượng” cây trồng cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, tránh ảnh hưởng do tác động của hạn, mặn, làm giảm năng suất trái, thậm chí gây chết cây nếu độ mặn cao khi người sản xuất không chú ý đến việc lấy nước tưới cho cây trong những tháng mùa khô.

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn năm 2016 đã làm thiệt hại lớn đến vườn cây ăn trái đặc sản của các địa phương, ngành nông nghiệp đã xây dựng các kịch bản ứng phó trên cây trồng cho mùa hạn cũng như đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nhà vườn, bằng việc hỗ trợ hợp tác xã hệ thống tưới phun tự động cho vườn cây ăn trái hay phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai mô hình gốc ghép bưởi da xanh chịu mặn, bước đầu đã đem lại kết quả khả quan.

Cây bưởi gốc ghép chống chịu mặn bước đầu thử nghiệm khi tưới nước có độ mặn 4 - 5‰ vẫn phát triển rất tốt. Ảnh: Thúy Liễu

Ông Nguyễn Văn Đổi, ở Ấp 2, thị trấn Long Phú (Long Phú) chia sẻ: “Tôi có 4 công đất trồng dừa khoảng 10 năm qua, cây dừa chịu mặn khá tốt nhưng cho trái không được tốt lắm. Chính vì vậy, khi được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chọn làm điểm triển khai mô hình gốc ghép trên bưởi da xanh chống chịu mặn, tôi đồng ý ngay bởi đất canh tác của gia đình tôi thường xuyên bị mặn xâm nhập trong mùa khô, nếu không trồng cây chịu mặn chắc chắn sẽ không trồng được loại cây nào khác. Hiện tại, cây bưởi gốc ghép chống chịu mặn đã trồng hơn 6 tháng và trong suốt mấy tháng mặn vừa qua có lúc độ mặn lên đến 4‰, tôi tưới cho bưởi bình thường, cây phát triển rất tốt. Theo ngành chuyên môn, cây bưởi gốc ghép chống chịu mặn lên đến 7 - 8‰ sẽ giúp cho nông dân không còn lo lắng khi mặn xâm nhập. Đây là cơ hội tốt cho các nhà vườn nếu mô hình thành công trong thời gian tới…”.

Để chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trên cây trồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho biết: “Vừa qua, theo thông tin từ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam có nước ngọt từ thượng nguồn đổ về nên ngành nông nghiệp đã chỉ đạo đơn vị liên quan tiến hành đo độ mặn nước để mở cống lấy nước ngọt vào cho bà con vận chuyển hàng hóa bằng ghe, tàu và lấy nước tích trữ phục vụ tưới tiêu cho cây màu, cây ăn trái. Đồng thời, để kịp thời thông tin nhanh đến người dân khi có nước ngọt về, ngành đã chỉ đạo đơn vị liên quan thông báo số liệu mặn hàng ngày qua email, hộp thư điện tử, hệ thống tin nhắn SMS và trên các phương tiện thông tin đại chúng để địa phương và người dân biết cũng như đề nghị các địa phương bố trí các điểm đo mặn trên các tuyến kênh, rạch chính phục vụ sản xuất của địa phương, thông báo tình hình mặn hàng ngày qua Zalo cho cán bộ phụ trách thông báo rộng rãi cho người dân biết chủ động lấy nước khi có nước ngọt về...”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thành Phước khuyến cáo, nhà vườn bảo vệ cây trồng trong mùa hạn, mặn cần chủ động tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màn phủ nông nghiệp để phủ hốc giữ ẩm cho cây, cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ hoa để hạn chế thất thoát hơi nước; củng cố hệ thống đê bao và đê chung quanh vườn ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới)”.

“Bên cạnh đó, khi cây ăn trái đã bị nhiễm mặn bón bổ sung phân Sulphate Kali, vôi bột lượng 500 - 1.000kg/ha, nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn, phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây; không rải vụ, trồng mới cây trong thời gian hạn hán nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây. Trước khi lấy nước kiểm tra độ mặn cẩn thận, tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn 1‰; đối với sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn trên cây” - đồng chí Nguyễn Thành Phước thông tin thêm.

Thúy Liễu

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: