• Nông nghiệp

Quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

16/05/2019 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 16/05/2019 | 13:00

STO - Theo thông tin công bố của tỉnh Hậu Giang, địa phương này đã xuất hiện 3 ổ dịch tả heo châu Phi. Trước nguy cơ dịch tả heo châu Phi đang bùng phát và lây lan nhanh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (địa phương lân cận với tỉnh Sóc Trăng) nên ngành chức năng ở Sóc Trăng đã triển khai các biện pháp đồng bộ để kịp thời ngăn chặn dịch tả heo châu Phi có thể lây lan sang địa bàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến thời điểm này, tổng đàn heo ở Sóc Trăng là 208.032 con, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2018. Để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi và có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hạn chế thiệt hại cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi và Kế hoạch số 33/KH-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh...

Đồng chí Phạm Minh Tú - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú cho biết: “Trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát các phương tiện vận chuyển heo cũng như các sản phẩm từ heo nhập vào tỉnh để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp heo không rõ nguồn gốc, nghi nhiễm bệnh. Theo đó, quy trình kiểm tra được thực hiện rất nghiêm ngặt và chặt chẽ theo đúng quy định, nếu đạt yêu cầu thì chúng tôi sẽ phun thuốc khử trùng trên các phương tiện vận chuyển và có xác nhận cho phương tiện được tiếp tục vận chuyển”.

Phun thuốc sát trùng phương tiện vận chuyển.

Đồng chí Tú thông tin thêm: “Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát và khuyến khích người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, như: sử dụng con giống có nguồn gốc từ các cơ sở có uy tín, cơ sở an toàn dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng; hạn chế tối đa người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, chuồng trại”.

Ông Lê Văn Út ở ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) cho biết: “Gia đình tôi hiện đang nuôi 25 con heo nái, hơn 70 con heo thịt. Nghe thông tin ở Hậu Giang, tỉnh giáp ranh với địa phương mình xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi, không chỉ riêng tôi mà bà con nuôi heo cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, trước đó chúng tôi được các ngành chức năng của địa phương hướng dẫn và hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc chủ động tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng… để bảo vệ đàn heo tránh được dịch bệnh”.

Theo đồng chí Quách Văn Tây - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra và lây lan nhanh, bệnh này không lây nhiễm và gây bệnh ở người, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả heo châu Phi có nguy cơ diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, đơn vị chức năng đã phối hợp tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nơi buôn bán heo, các sản phẩm của heo và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi. Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường lập thêm 2 chốt kiểm soát trên tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu tại xã An Lạc Thôn (Kế Sách) và tuyến Quản lộ Phụng Hiệp tại xã Long Hưng (Mỹ Tú) để kiểm soát các phương tiện vận chuyển heo nhập vào tỉnh, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp heo không rõ nguồn gốc, nghi nhiễm bệnh…

Hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại để phòng chống dịch bệnh.

Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thú y địa phương phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động người chăn nuôi và các cơ sở giết mổ trên địa bàn thực hiện 5 không, gồm: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Đối với các cơ sở giết mổ thì kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc heo nhập lò mổ cũng như kiểm tra lâm sàng để phát hiện dấu hiệu bất thường nhằm có hướng xử lý ngay, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn gốc, chất lượng thịt ở các quầy mua bán thịt.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: