• Nông nghiệp

Sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu - không phải đợi đến bây giờ

29/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 29/08/2017 | 06:00

STO - Gần đây, khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khó lường và tác động mạnh mẽ hơn đến sản xuất nông nghiệp, thì cụm từ: “Sản xuất (hay mô hình) thích ứng với biến đổi khí hậu” cũng được nhắc đến nhiều hơn. Nhưng nếu chịu khó ngược dòng thời gian cách nay hàng thế kỷ sẽ thấy chuyện này cha, ông ta đã làm từ rất lâu rồi.

Mùa khô, những vùng khó khăn về nguồn nước, người dân chuyển sang trồng các loại hoa màu thay cho vụ lúa để đảm bảo hiệu quả cao. Ảnh: TÍCH CHU

Sau nhiều thập niên, đổ nhiều công sức, tiền của làm đê bao chống lũ, cuối cùng, người ta cũng nhận ra một chân lý, đó là: “phải sống chung với lũ”. Bởi càng chống, lũ càng trở nên hung hãn hơn và vùng được gọi “an toàn” với lũ (trong đê bao), đất đai ngày càng bạc màu hơn vì thiếu nguồn dinh dưỡng do phù sa từ lũ mang lại. Sống chung với lũ cũng là cách mà cha ông ta đã sống từ hàng trăm năm qua chỉ nhằm mỗi mục đích là để thích ứng với sự biến đổi của tự nhiên hay như cách gọi bây giờ là thích ứng với biến đổi khí hậu chứ có gì là cao siêu đâu.

Nhắc đến chuyện sống chung với lũ mới nói, người xưa đã biết tận dụng, khai thác tối đa những gì từ lũ mang lại để phục vụ tốt hơn cho đời sống, sản xuất của mình. Đó là lượng phù sa màu mỡ bồi đắp, giúp cho những cánh đồng “trẻ mãi không già”; đó là lượng cá tôm dồi dào đủ sức cung cấp nguồn dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày và đó còn là “người công nhân vệ sinh” cần mẫn và hiệu quả nhất, giúp cho đồng ruộng sạch sẽ, để mùa sau lúa trúng mùa hơn.

Nếu như người dân vùng thượng nguồn sớm có cách nghĩ, cách sống cùng với lũ, thì người dân vùng ven biển cũng nên sớm biết cách sống cùng ngọt, lợ bằng cách tranh thủ cấy lúa vào mùa mưa và tận dụng nguồn nước mặn trong mùa khô để thu hoạch tôm cá tự nhiên. Cái cách làm theo kiểu “mùa nào thức nấy” thuận theo tự nhiên này tuy hơi khó làm giàu, nhưng chí ít cũng giúp cho đời sống, sản xuất của người dân hiếm khi đảo lộn.

Cũng có một thời, người ta muốn xóa bỏ cây lúa đi chỉ để lại mỗi mình con tôm, nhằm sớm làm giàu, nhưng đã thất bại, bởi không thuận theo tự nhiên. Vậy là mọi thứ phải trở lại từ đầu, nhưng được gán thêm một cái tên hàn lâm hơn là mô hình tôm - lúa. Chưa hết, sau những năm thành công của con tôm và cây lúa, mô hình tôm - lúa được các nhà khoa học xếp vào loại mô hình sản xuất thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Có lẽ, cái sự thông minh ở đây nhằm để ám chỉ những yếu tố mới được đưa vào như: giống, khoa học kỹ thuật… chứ còn mọi thứ có khác trước là bao đâu.

Trong số các mô hình được công nhận là thích ứng biến đổi khí hậu có thể kể đến còn có mô hình trồng màu trong mùa khô và trồng lúa trong mùa mưa hay còn được gọi nôm na là lúa - màu. Nhưng thật ra, chuyện trồng màu trong mùa khô và trồng lúa trong mùa mưa cũng không có gì là mới mẻ, khi chỉ cần đọc qua bài thơ khuyết danh: “Tháng chạp là tháng trồng khoai” dưới đây, chúng ta sẽ thấy, người xưa đã biết thích ứng với khí hậu, thời tiết để cơ cấu mùa vụ một cách hợp lý và hiệu quả như thế nào: “Tháng chạp là tháng trồng khoai, tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà. Tháng ba cày vỡ ruộng ra, tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng…”. Hay như câu chuyện về cái giếng làng mà người xưa thực hiện, nhằm có đủ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất lẫn sinh hoạt trong những tháng mùa khô.

Kinh nghiệm thích ứng đó là rất đáng trân trọng và vẫn còn hữu ích cho cả hôm nay. Đó cũng là lý do để Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết đưa ra đề xuất khôi phục lại "mô hình giếng làng" - đào ao trữ nước, nhằm đáp ứng nhu cầu nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vào mùa khô tại những vùng khó khăn về nguồn nước.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: