• Nông nghiệp

Sầu riêng bị ảnh hưởng nặng do hạn, mặn và đại dịch Covid-19

22/05/2020 11:03 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 22/05/2020 | 11:03

STO - Đến thăm vườn sầu riêng của nhiều hộ dân chuyên canh lâu năm trên địa bàn xã Xuân Hòa (Kế Sách), chúng tôi ghi nhận tình trạng vườn cây bị rụng lá gần như trơ trọi, cây chỉ toàn là trái. Mặc dù đây là thời điểm thu hoạch rộ sầu riêng nhưng việc bán buôn có phần trầm lắng, bởi số lượng trái tại vườn không nhiều và thương lái cũng hạn chế tìm đến mua...

Nhiều vườn sầu riêng do ảnh hưởng mặn bị rụng lá. Ảnh: Thúy Liễu

Theo ghi nhận của chúng tôi, nguyên nhân một phần do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, sầu riêng không thể xuất bán sang thị trường Trung Quốc mà chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá bán không cao kèm với đó chất lượng trái không tốt so cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của hạn, mặn nên trái nhỏ, thịt trái lạt, bị sượng.

Với diện tích 15 công sầu riêng cho trái gần 20 năm qua, ông Đoàn Út Xuân, ở ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa (Kế Sách) bộc bạch: “Năm nay, bà con trồng sầu riêng trên địa bàn xã Xuân Hòa thất thu khoảng 30% - 50% lợi nhuận, bởi ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu nội đồng, mặc dù đa phần hộ dân đã sử dụng hệ thống phun tưới tự động cho vườn sầu riêng nhưng do nước mặn tràn vào các ao trữ nước nên cây ảnh hưởng khá nhiều, thậm chí có vườn sầu riêng bị mất trắng. Đơn cử như vườn sầu riêng của gia đình tôi, năm 2019, diện tích trồng sầu riêng 1,5ha, sản lượng thu về 36 tấn trái nhưng hiện nay thu hoạch hết vụ ước khoảng 17 tấn trái, còn số diện tích vườn mới trồng khoảng 3 - 5 tuổi bị rụng lá mất trắng thu hoạch khoảng 8 công, kèm theo đó giá bán sầu riêng ở mức thấp, loại trái tốt có giá 30.000 đồng - 47.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước tầm 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Theo tính toán, lợi nhuận vườn sầu riêng vườn nhà thu về giảm hơn 50% so cùng kỳ năm trước và mất trắng hơn 50 triệu đồng khu vườn 8 công bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn…”.

Ông Đoàn Út Xuân (ở Xuân Hòa, Kế Sách) đang thu hoạch rộ sầu riêng tại vườn nhà nhưng năng suất giảm 50% so cùng kỳ do ảnh hưởng mặn và giá bán thấp hơn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Thúy Liễu

“Năm rồi tôi thu hoạch sầu riêng thấy mà ham, giá bán luôn ở mức 50.000 đồng trở lên, còn năm nay xem như thua, vườn cây bị rụng bông, rụng trái, lá trên cây cũng rụng xơ xác hết, nhìn cây thấy tội. Với 6 công sầu riêng, năm nào tôi cũng thu hoạch tầm 14 - 15 tấn trái/vụ nhưng hiện giờ ước thu hoạch xong chắc tầm 5 tấn trái, thương lái họ thu mua giá dao động 35.000 đồng - 45.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận tầm 100 triệu đồng, thất thu khoảng 500 triệu đồng. Để tránh mặn cho sầu riêng vụ tới, tôi đang tiến hành cải tạo lại vườn sầu riêng làm trái nghịch vụ, xử lý trái ra hoa trong tháng 8 (âm lịch) đến tháng 11 - 12 (âm lịch) sẽ cung ứng sầu riêng ra thị trường, có như vậy mới đảm bảo lợi nhuận tốt cũng như đầu ra trái sầu riêng ổn định, đặc biệt là tránh được hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong những tháng mùa khô” - ông Đoàn Út Trắng, ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa (Kế Sách) thông tin về tình hình tiêu thụ trái sầu riêng tại vườn của gia đình.

Không được thuận lợi như một số nhà vườn khác, vườn sầu riêng của bà Đoàn Thị Út, ở ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa (Kế Sách) trong 3 năm nay thất thu liên tiếp, mỗi năm sản lượng trái mỗi sụt giảm. Theo bà Út có lẽ nước mặn trong các ao vườn vẫn chưa được rửa sạch mà sầu riêng lại mẫn cảm với mặn nên dù có chăm sóc cẩn thận như phun thuốc dưỡng cây, bón phân cho cây ra lá xanh tốt đến xử lý ra hoa đậu trái thì bông rụng, trái lớn bằng đầu ngón chân cái rụng khá nhiều... Để đảm bảo cho trái đến vụ thu hoạch dù cây đã ít trái vẫn tiếp tục tỉa bỏ bớt trái nên năng suất giảm ở mức thấp nhất. Nếu cùng kỳ năm trước, sản lượng trái thu về 5 tấn/4 công thì vụ sầu riêng hiện tại chỉ thu hoạch được 2 tấn/4 công, xem như không có lời đồng nào. Mặc dù vậy nhưng bà Út vẫn quyết tâm giữ vườn sầu riêng, tiếp tục chăm sóc để năm sau thu hồi lại vốn vì cây trồng đã gần 20 năm, đốn bỏ trồng cây khác rất tiếc.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thành Phước cho biết: “Tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh là 682ha, tập trung tại 2 xã Xuân Hòa và Ba Trinh của huyện Kế Sách. Cùng với một số loại cây ăn trái, như: măng cụt, chôm chôm thì sầu riêng là cây mẫn cảm mặn. Đây là những cây đặc sản, chỉ một số vùng có khả năng trồng được. Theo dự báo của các đài khí tượng thủy văn, trong điều kiện thời tiết hiện nay khả năng mưa sẽ về muộn hơn hàng năm và mặn vẫn duy trì ở mức xâm nhập cao như các tháng vừa qua. Để chuẩn bị tốt hơn nữa công tác phòng chống hạn, mặn, bảo vệ vườn cây ăn trái đặc sản mẫn cảm mặn, nhà vườn nên tuân thủ đúng hướng dẫn ngành trong thời gian qua và kế hoạch phòng chống hạn, mặn UBND tỉnh ban hành. Qua đó, đề nghị nhà vườn cần thực hiện các giải pháp sau: thứ nhất tưới nước phải kiểm soát tốt nguồn nước tưới; thứ hai hệ thống kênh mương cố gắng gia cố kỹ không để nguồn nước mặn ngoài sông xâm nhập vào; thứ ba là cần cắt tỉa, tránh ra hoa, trái trong thời gian này vì thời điểm này không thích hợp nuôi trái, nuôi bông, tăng cường nguồn phân hữu cơ, phân bón lá để tăng cường khả năng chống chịu hạn, mặn...”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: