• Nông nghiệp

Sóc Trăng đảm bảo lượng nước sản xuất và sinh hoạt trước tình hình hạn, mặn

17/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 17/02/2020 | 06:00

STO - Sóc Trăng là tỉnh ven biển nằm phía Nam cửa sông Hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh có bờ biển dài 72km, điều kiện sinh thái, đất đai, nguồn nước khá đa dạng. Tuy nhiên, vào mùa khô, tỉnh dễ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, trong đó mùa khô năm 2015 - 2016, tỉnh chịu thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra với hơn 31.500ha lúa, hoa màu, mía, cây ăn trái bị thiệt hại từ 30% - 70% và kinh phí tỉnh đã chi hỗ trợ khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn trên 42 tỉ đồng.

Rút kinh nghiệm đợt hạn hán năm 2016, trong các năm qua, tỉnh đã theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, nhất là vào giai đoạn mùa khô hàng năm, nhằm có những khuyến cáo kịp thời thông tin đến người dân trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là với cây lúa đã tuyên truyền người dân tại một số khu vực thiếu nước trong mùa khô, không xuống giống vụ 3 hay chuyển đổi sang các loại cây trồng ngắn ngày nếu lượng nước đủ đáp ứng cho trồng các loại rau màu. Trên cây ăn trái, ngành chuyên môn thường xuyên quan trắc nước, khuyến cáo độ mặn để người dân biết lúc nào cần lấy nước tưới cho cây. Chính vì vậy, trong năm 2019, diện tích lúa Đông - Xuân toàn tỉnh không bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và diện tích cây ăn trái cũng được bảo vệ khá tốt…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh thăm các cánh đồng lúa tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Thúy Liễu

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dòng chảy mùa khô năm 2019 - 2020 từ thượng nguồn sông Mê Kông về đồng bằng thấp hơn cùng kỳ hàng năm và có khả năng thấp ở mức kỷ lục nên xâm nhập mặn mùa khô tại đồng bằng sông Cửu Long là rất nghiêm trọng (đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng, kéo dài và biến động bất thường) có khả năng làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tại tỉnh ta, tình hình xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn 1 tháng và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm. Hiện tại độ mặn cao nhất tại trạm Trần Đề 21g/l; Long Phú 16,9g/l; Đại Ngãi (Long Phú) 11,3g/l; An Lạc Tây (Kế Sách) 7g/l (so năm 2016 độ mặn tại Đại Ngãi tăng 0,3g/l, An Lạc Tây tăng 2,2g/l), xâm nhập mặn vào sâu nội đồng từ 40km - 50km, so năm 2016 tăng 10km - 15km. Do đã chủ động trước công tác phòng chống xâm nhập mặn vào đầu tháng mùa khô nên UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ động phối hợp các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác dự báo, quan trắc môi trường, vận hành đóng - mở các cống không để mặn xâm nhập nội đồng cũng như khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3 tại những nơi điều kiện nguồn nước tưới khó khăn; đồng thời, vụ lúa Đông - Xuân xuống giống sớm hơn để tránh bị mặn.

Trong chuyến khảo sát tình hình ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong sản xuất lúa và cây ăn trái tại tỉnh Sóc Trăng vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh rất hài lòng với cách ứng phó hạn, mặn của tỉnh khi đã triển khai đồng loạt các biện pháp ứng phó hạn, mặn trên cây lúa, cây ăn trái và rau màu. Thứ trưởng khuyến cáo nông dân thường xuyên cập nhập thông báo tình hình hạn, mặn của cơ quan chức năng, đặc biệt hạn, mặn sẽ diễn ra vào dịp sau tết khi mà mực nước thượng nguồn xuống thấp kết hợp với triều cường và để hỗ trợ nông dân, các địa phương cần tích trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt trong mọi thời điểm, kịp thời đóng cống ngăn mặn để giảm thiệt hại…

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề Trần Hoàng Dũng cho biết: “Hiện tại toàn bộ diện tích vụ lúa Đông - Xuân (2019 - 2020) trên địa bàn huyện đã thu hoạch dứt điểm và không bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra, vì người dân đã tuân thủ lịch khuyến cáo của địa phương, gieo sạ sớm hơn so cùng kỳ các năm để tránh bị ảnh hưởng mặn. Giải pháp đảm bảo vụ mùa Đông - Xuân của huyện là khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra nguồn nước lấy vào ruộng, cũng như trữ nước ngọt, canh tác lúa tiết kiệm nước bằng cách áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cho biết: “Nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn biến gay gắt trong những thánh mùa khô 2019 - 2020, tỉnh đã ban hành kế hoạch về phòng chống hạn, mặn cũng như xây dựng kịch bản ứng phó tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn bằng các giải pháp phi công trình như khuyến cáo bà con nông dân trữ nước ngọt trong các kênh, ao nuôi tôm để đảm bảo đủ nước tưới cho cây lúa giai đoạn trổ, trước khi lấy nước kiểm tra độ mặn. Trên cây màu, kiểm tra chất lượng nước khi bơm tưới, sử dụng màng phủ giữ ẩm cho đất, ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm, áp dụng các biện pháp sinh học, ứng dụng trong sản xuất rau màu. Đối với cây ăn trái, củng cố hệ thống đê bao, bờ bao chắc chắn tránh nước mặn xâm nhập vào, trữ nước ngọt trong ao tưới cho cây ăn trái. Riêng nước sạch, để đảm bảo cung cấp cho người dân nông thôn khi hạn, mặn xảy ra, tỉnh đã phê duyệt Đề án Cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn cho các xã xây dựng nông thôn mới với kinh phí 176 tỉ đồng nhằm đầu tư nâng cấp mở rộng mạng cấp nước, xây dựng mới trạm cấp nước và lắp đặt hệ thống điện 3 pha cho các trạm cấp nước…”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: