• Nông nghiệp

Sóc Trăng thực hiện cơ giới hóa sản xuất trong nông nghiệp

07/04/2020 15:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Phương Anh
  • Thứ Ba, 07/04/2020 | 15:00

STO - Trong 10 năm trở lại đây, sự phát triển của cơ giới hóa trong nông nghiệp nước ta đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Cùng với cả nước, ở Sóc Trăng hiện nay đã và đang phát triển mạnh mẽ khâu cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đã và đang mang lại hiệu quả cao.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay thì việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được coi là yêu cầu cấp thiết, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình đó, không thể không nhắc đến cơ giới hóa nông nghiệp. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Sóc Trăng, thấy được hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, trên cơ sở tham mưu của ngành NN-PTNT, tỉnh đã phê duyệt Đề án “Cơ giới hóa các khâu thu hoạch và sau thu hoạch trong sản xuất lúa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.

Trên địa bàn toàn tỉnh, việc sử dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong khâu làm đất đạt 100%; diện tích thu hoạch bằng máy GĐLH ước đạt trên 98% diện tích lúa của tỉnh.

Từ khi có Quyết định số 63, ngày 15-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Sóc Trăng đã vận dụng, thực hiện đề án cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Cụ thể, thực hiện Thông báo kết luận số 43, ngày 30-6-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH) thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh, dựa trên đề án đã được duyệt, Sở NN-PTNT xây dựng Dự án “Hỗ trợ nông dân mua máy GĐLH thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011 - 2015” và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Qua 2 năm thực hiện giai đoạn 1 của dự án (2011 - 2012) đã triển khai hỗ trợ được 150 máy GĐLH, với tổng số vốn đầu tư cho vay trên 51 tỉ đồng, nâng tổng số máy GĐLH trên địa bàn tỉnh đầu năm 2012 lên 510 máy. Kết quả diện tích thu hoạch bằng máy GĐLH vụ Đông - Xuân 2011 - 2012 đạt 75% (tăng khoảng 20% diện tích được thu hoạch bằng máy so với vụ Đông - Xuân 2010 - 2011), trong đó máy tại chỗ đạt 55%, máy từ ngoài tỉnh khoảng 20%.

Từ kết quả phấn khởi đó, thực hiện Thông báo kết luận số 118, ngày 8-11-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở NN-PTNT đã tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có trên 90% diện tích trồng lúa được thu hoạch bằng máy GĐLH. Qua đó đã xin chủ trương tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 Dự án “Hỗ trợ nông dân mua máy GĐLH thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011 - 2015” và được UBND tỉnh phê duyệt với tổng số 100 máy, tổng số vốn đầu tư cho vay trên 33,2 tỉ đồng. Qua 3 năm thực hiện dự án (2011 - 2013), đã triển khai hỗ trợ được 250 máy GĐLH, với tổng số vốn đầu tư phát vay trên 84,3 tỉ đồng, với chính sách hỗ trợ cụ thể như sau: Điều kiện thiết bị máy móc phải có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, không phân biệt giá trị nội địa hóa trong thiết bị, máy móc đó… sẽ cho vay 70% giá trị thiết bị, máy móc; hỗ trợ lãi suất 100% trong 2 năm đầu.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 68, ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với ngân hàng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị triển khai và tuyên truyền chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Danh mục máy móc thiết bị được hưởng chính sách bao gồm: máy GĐLH, máy cày lớn, máy bơm nước, máy kéo, máy cấy. Nhờ làm tốt công tác phát triển cơ giới hóa nên số lượng máy phục vụ nông nghiệp ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn. Theo kết quả báo cáo của các địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong khâu làm đất đạt 100%, khâu bơm tưới đạt 100%, diện tích thu hoạch bằng máy GĐLH ước đạt trên 98% diện tích lúa của tỉnh, trên địa bàn có hơn 820 máy GĐLH của dân địa phương cùng với máy từ địa phương khác đến tham gia thu hoạch lúa (khoảng 1.000 máy)...

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp chính là việc tiếp cận vốn vay của người dân đầu tư cơ giới hóa ở một số địa phương vẫn còn chậm, mặc dù người dân có nhu cầu vay lớn để làm dịch vụ, do điều kiện đảm bảo khoản vay theo yêu cầu của ngân hàng và quy định chưa được sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay để thế chấp. Việc cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch lúa hiện nay đã tương đối đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên các lĩnh vực khác thì việc cơ giới hóa vẫn còn rất hạn chế, như khâu phơi sấy, hiện nay cơ giới hóa (lò sấy) mới đáp ứng khoảng 11% sản lượng thu hoạch, khâu gieo sạ (sử dụng máy sạ hàng) tỷ lệ cơ giới hóa rất thấp… Từ những yếu tố nêu trên, ngành Nông nghiệp tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, cụ thể là kéo dài thời hạn cho vay của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg (thời hạn cho vay của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg đến 31-12-2020); bổ sung thêm danh mục máy, thiết bị cho vay; nâng thời gian hỗ trợ lãi suất lên 3 năm (trước đây theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg là 2,5 năm). Được dùng máy, thiết bị để thế chấp (tài sản hình thành từ vốn vay).

Từ kết quả đạt được, cùng những khó khăn và các đề xuất, kiến nghị của ngành nông nghiệp cho thấy, việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí sản xuất cho nông dân trong khâu làm đất, đáp ứng được phần nào nhu cầu lao động ngày càng khan hiếm ở địa phương. Đây là một thành công lớn trong việc giảm tổn thất trong sản xuất lúa nói riêng và trong nông nghiệp nói chung. Đạt được kết quả nêu trên là nhờ được sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ nông dân mua máy GĐLH thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Phương Anh

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: