• Nông nghiệp

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

15/08/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 15/08/2019 | 06:00

STO - Với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên cùng diện tích đất bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để đánh giá kết quả ngành Nông nghiệp tỉnh đạt được trong những tháng đầu năm 2019, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xoay quanh vấn đề trên.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 về diện tích sản xuất cây lúa và thủy sản trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Lương Minh Quyết: Trước hết, tôi xin thông tin cái khó của cây lúa trong 6 tháng đầu năm là giá lúa thu mua giảm nên dẫn đến việc tiêu thụ lúa của nông dân gặp khó khăn do các doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, giá lúa tăng trở lại và tiêu thụ thuận lợi, đơn cử giá lúa thường dao động từ 4.300 đồng đến 5.500 đồng/kg (thấp hơn 450 đồng/kg), lúa thơm nhẹ 4.500 đồng - 6.000 đồng/kg (thấp hơn 850 đồng/kg), lúa đặc sản 5.200 đồng - 7.500 đồng/kg (thấp hơn 1.050 đồng/kg) so cùng kỳ năm 2018. Mặc dù giá lúa giảm nhưng năng suất lúa cao hơn cùng kỳ nên đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30% so với chi phí sản xuất. Diện tích xuống giống lúa toàn tỉnh là 351.770ha, trong đó, lúa đặc sản chiếm 47% diện tích, vượt 5,8% kế hoạch, đã thu hoạch gần 210.000ha, sản lượng hơn 1,3 triệu tấn, tăng gần 3% so cùng kỳ. Song theo đó, ngành cũng đã xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ với diện tích 286,94ha tại các huyện: Châu Thành, Trần Đề, Thạnh Trị, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên... để giúp nông dân tăng giá trị trên cùng diện tích.

Đồng chí Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Riêng về nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi thủy sản là 39.928ha, đạt 54% kế hoạch, trong đó tổng diện tích nuôi tôm nước lợ 30.366ha, bao gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Thả nuôi cá các loại với diện tích 8.490ha, thủy sản khác 975ha; tổng sản lượng nuôi, khai thác thủy, hải sản là 80.356 tấn, trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 33.324 tấn, sản lượng nuôi 47.032 tấn.

Phóng viên: Thưa đồng chí, về các lĩnh vực nông nghiệp của 6 tháng qua, theo đồng chí lĩnh vực nào nổi bật nhất?

Đồng chí Lương Minh Quyết: Có thể nói, trong những tháng qua, sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái thuận lợi, phát triển và duy trì mô hình sản xuất VietGAP trên cây ăn trái diện tích hơn 265ha. Sản phẩm cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP có liên kết tiêu thụ các loại trái cây như: cam sành, mãng cầu, vú sữa, xoài... Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết tiêu thụ trái cây vào các cửa hàng cao cấp hay siêu thị và xuất khẩu, ngành đã hỗ trợ xây dựng mã code vùng trồng cho một số sản phẩm trái cây với diện tích hơn 46ha.

Phóng viên: Để đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, trong những tháng cuối năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Lương Minh Quyết: Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành kế hoạch ngành đề ra trong năm 2019. Theo đó, về cây lúa sẽ tập trung theo dõi chỉ đạo vụ mùa Thu - Đông, Hè - Thu và theo dõi thời tiết, môi trường, tình hình sâu bệnh,... để có khuyến cáo mùa vụ kịp thời. Tiếp tục triển khai Dự án Phát triển lúa đặc sản; chỉ đạo diện tích nuôi thủy sản, nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, ký kết liên kết cùng các công ty đảm bảo đầu ra thủy sản và triển khai các kế hoạch về quản lý chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Đối với một số cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình trong nhà lưới, nhà màng, xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ. Chuyển đổi từ cây mía sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Triển khai dự án cây ăn trái gắn với xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ của các hợp tác xã, nhất là triển khai hỗ trợ các thành viên hợp tác xã xây dựng phương án vay vốn để cải tạo, nâng cấp và mở mới diện tích cây ăn trái.

Trong chăn nuôi, sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh. Tăng cường tuần tra liên ngành, phân công cán bộ trực 24/24h tại các chốt kiểm dịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản và thủy sản, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, công tác quản lý giống thủy sản, gia súc, gia cầm... Tuần tra bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát tình hình mua, bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản, gây nuôi động vật hoang dã, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật. Tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24h; rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao xung yếu thấp trũng, có nguy cơ tràn, sạt lở, vỡ đê gây thiệt hại sản xuất và ảnh hưởng môi trường dân sinh…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Thúy Liễu (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: