• Nông nghiệp

Tăng cường ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi

04/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 04/10/2018 | 06:00

STO - Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1-8-2018, bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc). Từ đầu tháng 8-2018 đến nay, đã có hàng chục ổ dịch dịch tả lợn châu Phi và có hàng chục ngàn con lợn bệnh đã tiêu hủy.

Trước tình hình nêu trên, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phát Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Cùng với các tỉnh, thành cả nước, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng Quách Văn Tây cho biết: “Bệnh dịch tả lợn châu Phi có đặc điểm lây lan nhanh, xảy ra trên mọi lứa tuổi lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 10%. Sau khi khỏi bệnh, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể là vật chủ mang trùng suốt đời”.

Người chăn nuôi tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi.

Cũng theo thông tin từ đồng chí Quách Văn Tây, hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. Do đó, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Vi rút dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn, như: xúc xích, giăm bông, salami…

Theo OIE, vi rút này có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Nó tồn tại trong thời gian từ 2 đến 4 tháng trong một cơ sở nhiễm bệnh và có từ 5 đến 6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được trong thời gian từ 3 đến 6 tháng. Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56ºC trong 70 phút hoặc 60ºC trong 20 phút…

Để phòng ngừa nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng khuyến cáo người chăn nuôi phải chủ động theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh của đàn vật nuôi. Nếu phát hiện lợn có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi phải báo ngay cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để lấy mẫu gửi mẫu xét nghiệm.

“Đối với trưởng trạm chăn nuôi và thú y ở các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra liên ngành, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất nhập tỉnh; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả…), vệ sinh tiêu độc khử trùng; đồng thời áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi” - đồng chí Quách Văn Tây cho biết thêm.

K.X

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: