• Nông nghiệp

Tập trung phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao

15/07/2020 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 15/07/2020 | 08:00

STO - Sau khi nghiên cứu qua Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đăng trên Báo Sóc Trăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Huỳnh Ngọc Nhã đã có những chia sẻ của ngành trong nhiệm kỳ tới cùng phóng viên Báo Sóc Trăng để nhiệm kỳ mới tiếp tục đạt nhiều thắng lợi mới.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT. Ảnh: THÚY LIỄU

Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, nhiều năm qua, để đưa kinh tế nông nghiệp phát triển vượt bậc đem lại nguồn thu cho người dân cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế, tỉnh xác định con tôm, cây lúa là ngành kinh tế mũi nhọn. Để nâng cao chất lượng, năng suất của cây lúa, con tôm mà đặc biệt đối với con tôm, nhiều năm qua ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng sản lượng tôm trên cùng diện tích.

Phóng viên: Thưa đồng chí, qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, ngành nông nghiệp đã đạt những kết quả nổi bật nào thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Tôi nhất trí cao với nội dung dự thảo báo cáo nêu và điểm nhấn tôi đặc biệt quan tâm đó là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, từ 140 triệu đồng/ha năm 2015 tăng lên 185 triệu đồng/ha năm 2020.

Đạt được kết quả trên là nhờ vào sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là xây dựng, triển khai các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các quy trình sản xuất sạch, an toàn, gắn với bao tiêu, chế biến, xuất khẩu, tập trung chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có giá trị kinh tế cao. 

Với vai trò là đơn vị tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cũng là đơn vị thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tôi tâm đắc nhất là Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đến lĩnh vực thủy sản, nhờ đó nghề nuôi thủy sản tại các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp, đa dạng đối tượng nuôi. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và xuất khẩu, có thể thấy rõ nhất là từ con số diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2015 là 46.463ha tăng lên 50.000ha năm 2020.

Phóng viên: Với định hướng nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong dự thảo báo cáo chính trị nêu về lĩnh vực nông nghiệp thì ngành Nông nghiệp tỉnh có những giải pháp nào để thực hiện tốt dự thảo trên, đặc biệt là về thủy, hải sản mà trọng tâm là tôm nuôi nước lợ, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Theo dự thảo, về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu, tôi nhất trí cao về các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu sản lượng thủy, hải sản đến cuối nhiệm kỳ đạt 417.000 tấn trở lên, cùng với giải pháp thực hiện chỉ tiêu về thủy, hải sản dự thảo đưa ra là từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, liên kết bao tiêu, chế biến xuất khẩu đều đúng trọng tâm để đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Tôi cũng xin chia sẻ thêm về giải pháp tổ chức và quản lý tôm nuôi nước lợ trong thời gian tới là quản lý thực hiện đúng theo định hướng dự thảo báo cáo nêu bằng cách quản lý tốt mùa vụ, vùng nuôi và bảo vệ môi trường sinh thái, bố trí từng hình thức nuôi tôm cho từng đối tượng nuôi; phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung có sự tham gia của người nuôi, người cung ứng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi cơ cấu một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, điều chỉnh quy hoạch gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nuôi tôm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm với việc thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, hướng tới không sử dụng thuốc kháng sinh cấm trong nuôi tôm…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

THÚY LIỄU  (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: