• Nông nghiệp

GÓC NHÌN KINH TẾ

Tháo gỡ để phát triển

27/03/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 27/03/2018 | 06:00

STO - Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, từ lâu, Sóc Trăng được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển nghề nuôi và chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, so với tiềm năng và lợi thế, sự phát triển của ngành tôm Sóc Trăng thời gian qua vẫn chưa tương xứng, mà nguyên nhân chủ yếu là do những “nút thắt” trong nội tại ngành tôm chưa được tháo gỡ một cách triệt để.

Nhiều vùng nuôi tôm chỉ có phương tiện vận tải nhỏ là vào thu mua được, nên cả người nuôi lẫn doanh nghiệp thu mua đều bị thiệt thòi. 

Nút thắt đầu tiên theo người nuôi tôm chính là điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi chưa được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ. Tại Hội nghị tổng kết thủy sản năm 2017 của tỉnh vừa qua, những hạn chế, bất cập về hạ tầng điện, thủy lợi, môi trường và giao thông được các đại biểu đến từ các địa phương nuôi tôm, các hợp tác xã và Hiệp hội tôm Mỹ Thanh phản ánh khá nhiều. 

Theo đánh giá của các đại biểu, hiện còn khá nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh chưa được đầu tư đầy đủ và hoàn chỉnh về giao thông, điện, nước, thủy lợi… dẫn đến chi phí sản xuất, vận chuyển đều tăng nên giá thành nuôi trồng và chế biến vì thế cũng tăng theo, làm giảm lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp.

Không chỉ có hạ tầng vùng nuôi, vấn đề cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật nuôi, chế biến tôm hiện nay cũng thiếu và yếu, nhất là đội ngũ công nhân nuôi tôm phần lớn chưa được đào tạo, cũng làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công chưa cao. Một doanh nghiệp than phiền rằng, muốn tìm đủ số công nhân kỹ thuật nuôi tôm đáp ứng yêu cầu cho trại nuôi 50ha cũng là chuyện khó. Còn công nhân chế biến thì khi trồi, khi sụt và số qua đào tạo, có tay nghề lúc nào cũng thiếu hụt. Đó là chưa kể do đặc thù địa lý nên doanh nghiệp phải tổ chức đưa - rước khiến tăng chi phí sản xuất, đội giá tôm thương phẩm.

Hệ thống thủy lợi bồi lắng nhanh chóng, ảnh hưởng đến việc cấp, thoát nước phục vụ nuôi tôm.

Tuy nhiên, một trong những “nút thắt” lớn, quan trọng đã và đang cản bước tiến ngành tôm chính là vốn sản xuất. Hiện nay, trong điều kiện khó khăn về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, để đầu tư ao nuôi an toàn cần đầu tư chi phí rất cao cho hạ tầng (giá trị cao gấp 5 – 10 lần giá trị quyền sử dụng đất), nên người dân buộc phải đi vay, nhưng các ngân hàng chỉ cho vay theo giá trị đất chứ không theo dự án, mô hình nuôi nên không đáp ứng đủ nguồn vốn theo yêu cầu người nuôi. Vì vậy, người nuôi tôm buộc phải mua nợ hầu hết vật tư đầu vào với mức giá cao hơn 25% - 40%.

Để phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và sản xuất bền vững như mục tiêu đã đề ra, trước hết cần có cái nhìn mới hơn theo hướng xem mỗi nông dân, trang trại nuôi tôm là một nhà máy sản xuất ra tôm nguyên liệu; mỗi vùng nuôi tôm là một khu công nghiệp chuyên sản xuất tôm để có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng hợp lý như cách làm đối với các khu công nghiệp.

Ngành chức năng cũng cần đánh giá lại những giải pháp, mô hình nuôi tôm thành công thời gian qua để đúc kết, xây dựng thành những mô hình chuẩn với nhiều cấp độ khác nhau, như: nuôi công nghệ cao, nuôi công nghiệp có xi phông, nuôi tôm – lúa, nhưng vẫn đảm bảo áp dụng được cho cả nông hộ, chứ không chỉ cho riêng các trang trại hay khu nuôi tôm công nghệ cao. Các mô hình chuẩn này cũng sẽ là cơ sở để các đơn vị thẩm định làm căn cứ đề xuất cho vay hay giải quyết các khó khăn phát sinh.

Việc đào tạo nghề, kỹ thuật cũng cần có sự thay đổi cả về mô hình, lẫn nội dung theo hướng giảm lý thuyết, tăng thời gian thực tiễn nhiều hơn để trang bị đầy đủ kiến thức cho kỹ sư, công nhân ra trường, đáp ứng được ngay yêu cầu nuôi tôm. Chính phủ, các bộ, ngành có thể hỗ trợ để người nuôi tôm giảm giá thành, thông qua các cơ chế, chính sách về quản lý các yếu tố đầu vào, đầu ra của các sản phẩm này. 

Để giải bài toán vốn cho người nuôi tôm, các bộ, ngành cần bàn bạc, trao đổi tìm giải pháp khả thi nhất, nhằm cắt đứt các khâu trung gian, giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất. Theo đó, có thể nghiên cứu thành lập một Ban Chỉ đạo với đầy đủ quyền lực, trách nhiệm và con người có tâm huyết với nghề để phối hợp cùng các ngân hàng trong việc thuê các đơn vị thẩm định độc lập đủ trình độ làm cơ sở cho việc vay vốn đã được các bên cam kết trong chuỗi liên kết.

Việc mở rộng thị trường là cần thiết và cần thực hiện thường xuyên, nhưng các chính sách đi kèm phải hết sức linh hoạt. Chúng ta cần đa dạng hóa sản phẩm tôm, các mô hình tiêu thụ tôm để mở rộng được nhiều thị trường tiêu thụ hơn nữa và có chủ trương khuyến khích các mô hình này. 

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: