• Nông nghiệp

Tháo gỡ khó khăn cho liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

06/12/2017 17:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 06/12/2017 | 17:00

STO - Ông Sơn Thanh Phong - Giám đốc Hợp tác xã Kiết Lập B ở xã Lâm Tân (Thạnh Trị) cho biết: “Được doanh nghiệp bao tiêu thì người dân cũng yên tâm sản xuất phần nào. Nhưng vấn đề e ngại của chúng tôi là về vật tư nông nghiệp, như: phân, thuốc bảo vệ thực vật…”.

Cũng theo ông Phong, trong hợp đồng thỏa thuận bao tiêu sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp cung cấp danh mục thuốc không theo ý muốn của người sử dụng và cung cấp với số lượng vật tư quá nhiều, bà con sử dụng không hết nhưng doanh nghiệp thì vẫn cung cấp liên tục.

Một số nơi, người dân và doanh nghiệp hợp đồng không qua địa phương gây khó khăn cho địa phương.

Với những bức xúc nêu trên, Giám đốc Hợp tác xã Kiết Lập B ở xã Lâm Tân Sơn Thanh Phong tự hỏi: “Không biết doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất bao tiêu đầu ra hay là tạo hợp đồng để có cơ hội kinh doanh vật tư nông nghiệp? Các danh mục thuốc mà họ cung cấp có giá rất cao, vì họ cho rằng các loại thuốc đều đảm bảo chất lượng”.

Còn ông Lý Giỏi - là thành viên của Hợp tác xã Kiết Lập B cho biết: “Đa số doanh nghiệp lớn đều thu mua giá “chết” - nghĩa là đã định giá rồi thì thị trường có tăng hay giảm thì họ vẫn thu mua giá như trong hợp đồng. Do đó, theo tôi thì không khả quan vì làm như vậy nếu giá ngoài thị trường chỉ cần tăng một vụ thôi thì sẽ xảy ra trường hợp nông dân bẻ kèo”. Cũng theo ông Giỏi, hiện nay một số người dân ở địa phương không còn liên kết với doanh nghiệp lớn vì họ cho rằng doanh nghiệp cho giá rẻ so với giá thị trường; trong khi đó, họ chọn hình thức bao tiêu không hợp đồng - tức là thương lái sẽ tự đến thu mua và định giá bao tiêu trước nửa tháng thu hoạch, nếu thuận giá thì bên thương lái sẽ bỏ cọc trước 300.000 đồng/công. Tuy nhiên, dù hợp đồng theo hình thức nào đi nữa thì bắt buộc hai bên (giữa người bán và người mua) phải có uy tín, có như vậy thì khâu liên kết trong sản xuất lúa mới được bền vững.

Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị Trần Trang Nhã, nông dân thường bán lúa tươi tại ruộng và doanh nghiệp không đủ nhân lực thu mua tại ruộng, từ đó đôi lúc chưa thống nhất phương án thực hiện hợp đồng liên kết tốt nhất. Hiện có một số nơi, người dân và doanh nghiệp hợp đồng không qua địa phương xác nhận; một số doanh nghiệp, đại lý, thương lái cung cấp vật tư đầu vào chưa đảm bảo đúng theo hợp đồng đã ký dẫn đến việc gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là chất lượng lúa giống. Mặt khác, một bộ phận nông dân dễ dàng dao động trước biến động giá của thị trường hoặc gặp một số “cò” lúa tại địa phương cố tình trả giá cao, nên có tình trạng nông dân không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết vẫn còn xảy ra.

Trước tình hình trên, theo đồng chí Trần Trang Nhã, giải pháp của địa phương sẽ tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, quản lý chất lượng vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và chất lượng hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã; thường xuyên giám sát việc thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết tranh chấp hợp đồng xảy ra theo hướng hài hòa lợi ích các bên tham gia và đảm bảo đúng luật, đúng quy định; đối với các doanh nghiệp, đại lý, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân có tham gia ký kết hợp đồng liên kết thực hiện đúng hợp đồng đã ký đảm bảo nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Cùng với những giải pháp của địa phương, trong thời gian qua, Ban Quản lý dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng cũng quan tâm và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức những cuộc hội thảo chuyên đề liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm tạo cơ hội cho nông dân (bên cung ứng sản phẩm) và doanh nghiệp (bên thu mua sản phẩm) gặp gỡ, chia sẻ khó khăn, gút mắc trong việc thực thi hợp đồng mua bán, từ đó tháo gỡ và đi đến mối liên kết bền vững giữa hai bên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để nông dân nhận thấy quyền lợi cũng như trách nhiệm trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn; khuyến khích nông dân tích cực tham gia ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều mô hình liên kết hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân; mở rộng diện tích ở những nơi có mô hình và tiếp tục nhân rộng ở những điểm mới. Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác chỉ đạo sản xuất ở cánh đồng mẫu, mô hình liên kết sản xuất, chủ động hướng dẫn, giải quyết tranh chấp trong việc thực hiện hợp đồng liên kết.

K.X

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: