• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Thêm cơ hội cho mô hình tôm – lúa

10/03/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 10/03/2020 | 13:30

STO - Vừa qua, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH) cùng các đối tác chính như: Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, DNTN Hồ Quang Trí, UBND huyện Mỹ Xuyên... chính thức ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện “Chương trình xây dựng vùng sản xuất tôm – lúa bền vững dựa trên mục tiêu tăng trưởng”.

Sự kiện ký kết của chương trình này cùng với dự án lúa thơm – tôm sạch trên diện tích 17.700ha tại 6 xã vùng tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên sẽ là tiền đề để nâng cao giá trị sản phẩm và tiến tới xây dựng thương hiệu cho mô hình. Ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng kỳ vọng: “Nếu xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và phát triển thương hiệu lúa thơm - tôm sạch sẽ giúp nâng cao giá trị cho cả con tôm lẫn cây lúa, từ đó giúp mô hình ngày một hiệu quả hơn, thu nhập nông dân sẽ ngày càng cao hơn”.

Các bên tham gia ký kết bản ghi nhớ thực hiện chương trình xây dựng vùng sản xuất tôm – lúa bền vững hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh.

Theo đó, chương trình sẽ được thực hiện thông qua cách tiếp cận hợp tác công tư, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng tôm - lúa 17.700ha ở huyện Mỹ Xuyên. Các đối tác tham gia chương trình có vai trò và trách nhiệm, phát triển các đề xuất cụ thể để đồng tài trợ thực hiện chương trình, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu tôm sạch và giống lúa thơm ngon nhất thế giới năm 2019 - ST25.

Với mong muốn xây dựng hình ảnh lúa đặc sản và tôm sạch có thương hiệu cho mô hình tôm – lúa đã được tổ chức FAO đánh giá cao về tính bền vững, TS. Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị các bên tham gia chương trình cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác. TS. Trần Đình Luân cho biết: “Trước mắt, trong giai đoạn 2021 - 2025, các bên tham gia cố gắng đảm bảo mục tiêu bền vững và sau đó tiến tới xây dựng thương hiệu cho cả lúa và tôm, nhằm định vị mô hình tôm – lúa trên bản đồ thế giới”.

Nhận xét về mô hình tôm – lúa, ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho rằng, mô hình tôm – lúa là rất tốt vì nếu nông dân thực hiện đúng chúng ta sẽ có sản phẩm chủ lực là con tôm sạch, chất lượng ngon và giá trị cao tại châu Âu. Do đó, ông Phục đề xuất: “Để chương trình thành công, theo tôi mô hình trước tiên phải đảm bảo tính hiệu quả thì mới kích thích nông dân tham gia thực hiện đúng theo các yêu cầu đề ra. Nếu thực hiện thành công chương trình này, cùng với EVFTA con tôm Sóc Trăng sẽ rất lợi thế ở thị trường châu Âu”.

Cây lúa trên vùng tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên đã đạt chứng nhận hữu cơ.

Ông Trần Văn Phẩm – Tổng Giám đốc Stapimex cho rằng: “Vừa qua tôm của hợp tác xã ở vùng này đã đạt chứng nhận ASC, lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ (Organic) và tất cả đều được hướng vào phân khúc thị trường cao cấp. Do đó, quá trình thực hiện cần hướng sản xuất theo chuỗi giá trị tôm - lúa bền vững và có lộ trình xây dựng thương hiệu, để tăng tính khả thi cho chương trình”.

Bà Trần Thị Quỳnh Chi – Quản lý Chương trình IDH cho biết, IDH luôn hỗ trợ đến người mua cuối cùng, nên để thực hiện thành công, chương trình cần tập trung mạnh cho chuỗi giá trị, gồm: các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các bên có liên quan nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững. Riêng tổ chức IDH hiện gắn kết mạng lưới 90 công ty tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu sẽ hỗ trợ kết nối thị trường với các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị tôm - lúa ở Mỹ Xuyên. Tới đây, IDH sẽ làm việc với các nhà mua hàng quốc tế và tài trợ 30% kinh phí cho chương trình, phần còn lại sẽ do Nhà nước và tư nhân đóng góp theo hình thức hợp tác công tư. Sau lễ ký kết ghi nhớ này, IDH sẽ làm việc với các bên tham gia chương trình để xây dựng kế hoạch chi tiết và trong tháng 3 - 5 sẽ xây dựng khung chương trình cơ bản cho diện tích 17.700ha sản xuất tôm – lúa nhằm đưa ra các hướng đầu tư ưu tiên.

Mô hình tôm – lúa đã được nông dân Sóc Trăng thực hiện từ năm 1990, nhưng chỉ thực sự phát triển và cho hiệu quả ổn định từ năm 2005, đặc biệt là giai đoạn từ 2015. Các số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho thấy, trong mô hình tôm – lúa, nếu nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến, năng suất đạt 0,5 tấn/ha, nuôi bán thâm canh là 1,8 tấn/ha; còn nếu nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh năng suất bình quân 2,8 tấn/ha và một vụ lúa năng suất đạt từ 6 - 7 tấn/ha. Cũng với mô hình này, thông qua sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp, đã có những hợp tác xã thực hiện và đạt chứng nhận các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế cho con tôm và cây lúa, như: ASC, Organic, VietGAP…

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: