• Nông nghiệp

Thu hoạch, vận chuyển nông sản trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19

31/07/2021 12:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 31/07/2021 | 12:35

STO - Sản phẩm nông nghiệp được xem là một trong những ngành hàng góp phần tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì công tác phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, để vừa đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo thu hoạch, vận chuyển nông sản, thủy sản của người dân, người thu mua thuận lợi, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Để đảm bảo việc thu hoạch nông sản trên địa bàn tỉnh thì ngành nông nghiệp có hướng dẫn như thế nào dành cho phương tiện thu hoạch và lực lượng lao động tham gia thu hoạch, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Nhằm đảm bảo việc thu hoạch nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh dựa trên Quyết định số 1806/QĐ-UBND, ngày 18-7-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh; Công văn số 4345/BNN-VP, ngày 12-7-2021 của Bộ NN-PTNT về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo lương thực, thực phẩm trong dịch bệnh Covid-19; Công văn số 5753/BYT-MT, ngày 19-7-2021 của Bộ Y tế về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa và Thông báo số 1310/TB-SGTVT, ngày 27-7-2021 của Sở Giao thông Vận tải về việc tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh, trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã xây dựng nội dung hướng dẫn việc thu hoạch, vận chuyển nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, đối với phương tiện thu hoạch và lực lượng lao động tham gia thu hoạch theo máy phải đảm bảo các yêu cầu sau để có thể thu hoạch nông sản trên địa bàn tỉnh: là chủ máy thu hoạch, tài xế, tài công, phụ xế, người đi trên phương tiện, nhân công bốc dỡ nông sản (sau đây được gọi là người thu hoạch) di chuyển vào vùng thu hoạch, người thu hoạch phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thời gian không quá 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, kể cả khi có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; người thu hoạch tham gia thu hoạch nông sản phải đảm bảo thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét và không được đi nơi khác ngoài khu vực hoặc điểm thu hoạch nông sản đã đăng ký đến.

Đồng thời, để đảm bảo yêu cầu về công tác phòng, chống dịch, các phương tiện khi qua các chốt kiểm dịch trước khi vào điểm thu hoạch phải được thực hiện sát khuẩn theo quy định. Tài xế sử dụng phương tiện phải có giấy cam kết và được cơ quan, doanh nghiệp xác nhận cụ thể nơi đi, tuyến đi và nơi đến. Trường hợp tài xế không có giấy xét nghiệm kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, phải liên hệ với các chốt kiểm soát hoặc cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện việc khai báo y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 (mọi chi phí do cá nhân tự chi trả). Đối với việc thu hoạch dài ngày, chủ phương tiện (máy cắt, máy gặt đập, máy kéo…) phải đảm bảo “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) cho người thu hoạch đi cùng trong suốt quá trình thu hoạch tại khu vực đăng ký.

Phóng viên: Phương tiện thu mua, vận chuyển hàng nông, thủy sản và lực lượng lao động tham gia thu mua nông sản, cần phải thực hiện những gì?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Đối với phương tiện thu mua, vận chuyển hàng nông, thủy sản và lực lượng lao động tham gia thu mua phải đảm bảo các yêu cầu sau để có thể thu mua nông sản trên địa bàn: là chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện, người thu mua, tài xế, tài công, phụ xế, người đi trên phương tiện, nhân công bốc dỡ hàng hóa (sau đây được gọi là người thu mua) vào nơi thu mua (nơi đến) phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 không quá 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, kể cả khi có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; người thu mua khi thu mua nông sản phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch và không được đi nơi khác ngoài khu vực thu mua nông sản đã đăng ký nơi đến. Bên cạnh đó, có giấy cam kết của tài xế phương tiện được cơ quan, doanh nghiệp xác nhận nơi đi, tuyến đi và nơi đến. Đối với thương lái tổ chức thu mua phải có giấy xác nhận của địa phương.

Trong quá trình thu mua, tất cả mọi người tham gia phải đảm bảo 5K; luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét. Trường hợp tài xế không có giấy xét nghiệm kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, phải liên hệ với các chốt kiểm soát hoặc cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện việc khai báo y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 (mọi chi phí do cá nhân tự chi trả). Chủ động liên hệ nơi đến (chủ trang trại, gia trại, chủ ruộng) bố trí, sắp xếp nơi tập kết hàng hóa phù hợp nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đối với việc thu mua dài ngày, chủ doanh nghiệp thu mua phải đảm bảo “3 tại chỗ” cho người thu mua trong suốt quá trình thu mua nông sản tại khu vực đã đăng ký.

Phóng viên: Ngoài các hướng dẫn dành cho phương tiện, lao động tham gia thu hoạch và thu mua nông sản, ngành nông nghiệp có hướng dẫn như thế nào dành cho hộ sản xuất sản phẩm nông nghiệp?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Đối với chủ trang trại, gia trại, chủ ruộng hoặc người đại diện chủ ruộng phải đảm bảo những quy định là trong quá trình thu hoạch nông, thủy sản chỉ có chủ trang trại, gia trại, chủ ruộng hoặc người đại diện chủ ruộng (sau đây gọi là chủ ruộng) không thuộc đối tượng có liên quan đến bệnh nhân Covid-19 (được cơ quan y tế giám sát, theo dõi sức khỏe và hướng dẫn cách ly tại nhà) mới được tham gia theo dõi thu hoạch và bán nông, thủy sản của mình. Đối với trường hợp chủ ruộng thuộc đối tượng đang theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà, hoặc khu vực chủ ruộng đang cư trú thuộc vùng cách ly theo quyết định của UBND tỉnh, thì phải nhờ người thân (không liên quan đến bệnh nhân Covid-19) theo dõi, tham gia thu hoạch hộ. Trường hợp không thể nhờ người thân thu hoạch hộ được thì liên hệ với UBND xã, phường, thị trấn hoặc ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, phường, thị trấn để có giải pháp hỗ trợ, theo dõi thu hoạch hộ.

Ngoài ra, lưu ý với đối tượng thực hiện theo hướng dẫn ngành nông nghiệp nêu trên là trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về các đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng (điện thoại: 0919.106.103; Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (điện thoại: 0919.730.421) để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Thúy Liễu (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: