• Nông nghiệp

Thu nhập cao từ việc nuôi dế thương phẩm

15/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 15/07/2018 | 06:00

STO - Tuy phát triển mới gần một năm nay, nhưng chú Nguyễn Văn Thông ở ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) đang rất thành công với mô hình nuôi dế thương phẩm. Dế là một trong những loài côn trùng nhỏ bé nhưng mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho gia đình.

Qua tìm hiểu thực tế từ mô hình nuôi dế thương phẩm của gia đình chú Thông cho thấy, hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại cao hơn hẳn so với nuôi các con vật khác. Trò chuyện với chúng tôi, chú Nguyễn Văn Thông so sánh: “Trước đó, gia đình tôi nuôi heo nhưng thấy giá cả bấp bênh, với lại 2 vợ chồng tôi tuổi đã cao nên thấy rất cực, chi phí nuôi lớn nên chuyển sang nuôi dế. Qua thời gian nuôi nhận thấy nuôi dế không cần nhiều vốn đầu tư và ít công chăm sóc hơn so với nuôi heo. Cũng nhờ nguồn thu nhập chính từ nuôi dế và tiệm tạp hóa nhỏ nên cuộc sống rất ổn định”.

Mô hình nuôi dế thương phẩm đã mang lại thu nhập cao cho gia đình chú Nguyễn Văn Thông, ở ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương (Mỹ Tú).

Vì nuôi dế là một mô hình độc, lạ nên khi mới nuôi, chú Thông cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại. Để có dế giống nuôi, chú Thông đã phải mua ở tỉnh Tây Ninh. Trong 5 tháng đầu nuôi dế do chưa có kinh nghiệm nên dế không đẻ. Tuy thất bại nhưng chú Thông không nản lòng mà quyết tâm kiên trì tìm hiểu kinh nghiệm nuôi dế có hiệu quả từ những người nuôi ở tỉnh bạn và internet. Từ đó, chú tích lũy được kinh nghiệm và tìm ra nguyên nhân tại sao dế không đẻ được rồi tìm cách khắc phục. Trải qua những khó khăn ban đầu, bây giờ chú Thông đã nắm bắt được từng giai đoạn phát triển của dế.

Để theo dõi được quá trình phát triển của dế, chú còn ghi chép cẩn thận từng chi tiết quá trình sinh trưởng. Vừa lật cuốn sổ ra xem, chú Thông giải thích: “Khi có kinh nghiệm thì nuôi dế cũng không khó, đặc biệt là vốn đầu tư ít nhưng đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, tỉ mỉ. Nhờ ghi chép mà tôi theo dõi và nắm bắt được quá trình phát triển của dế từ lúc nhỏ đến lúc bán được. Từ đó mà mình có sự điều chỉnh nguồn thức ăn cho hợp lý để đàn dế phát triển đều”.

Chúng tôi theo chú Thông ra chuồng nuôi dế bên hông nhà được làm đơn giản nhưng khá kín gió và mưa. Điều thuận lợi trong nuôi dế là yêu cầu diện tích nuôi không lớn, chuồng trại dễ làm. Đặc biệt, hệ thống chuồng trại được chú làm bằng cây cao ráo, mái lợp tôl, nền tráng ximăng để hạn chế kiến. Theo chú Thông, trong quá trình nuôi phải xử lý kiến tốt vì nếu kiến cắn trứng dế sẽ không nở và dế sẽ bị chết. Hiện nay, chú Thông có 10 thùng nuôi dế, mỗi thùng có diện tích hơn 1m2 để được 4 khay, mỗi khay bao gồm trứng dế trộn lẫn xơ dừa và cát để giúp trứng dế nở. Trong mỗi thùng nuôi dế, chú Thông thiết kế bằng gỗ, xung quanh phủ kín bạt, lót cao su tạo độ trơn để dế không bò ra ngoài và trên được chắn kín bằng lưới để tránh thằn lằn và rắn mối vào ăn dế.

Dế là loài côn trùng tự nhiên nên có khả năng kháng bệnh tốt, sinh trưởng nhanh, nuôi ít rủi ro. Chú Thông cho biết: “Dế phát triển nhanh hay chậm cũng tùy theo thời tiết, mùa mưa nuôi khoảng 30 ngày là được bán dế thương phẩm, mùa nắng thì khoảng 25 ngày. Muốn dế đẻ thì nuôi thêm khoảng 6 ngày đến 10 ngày nữa. Trong khoảng thời gian này dế sinh sản xong và chết, mỗi con dế có vòng đời chỉ khoảng 50 ngày”.

Thức ăn cho dế đơn giản, trong tuần đầu khi dế mới nở cho ăn thức ăn tổng hợp của gà con nhưng khi dế lớn hơn thì kết hợp cho ăn cùng lá cây khoai mì. Nguồn thức ăn phải đảm bảo tỷ lệ pha trộn đủ giữa thức ăn với cây khoai mì để dế phát triển tốt. Vì vậy, chú Thông đã tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng cây khoai mì làm thức ăn chính cho dế.

Đầu ra của dế hiện rất ổn định, những con dế lớn, chú Thông chọn gửi bán cho các nhà hàng ở Bình Dương làm thực phẩm, còn loại nhỏ bán làm mồi câu cá và một số bán cho các cơ sở nuôi chim cảnh. Thời gian gần đây, cứ gần 1 tuần, chú lại xuất bán khoảng 20kg dế thương phẩm, với giá 120.000 đồng/1kg. Theo tính toán của chú Thông, cứ 1kg dế thương phẩm sau khi bán trừ hết chi phí còn lời 100.000 đồng/kg (1kg dế thương phẩm khoảng 900 con/kg đến 1.000 con/kg). Hiện nay, ngoài bán dế thương phẩm, chú còn bán trứng dế cho khách hàng có nhu cầu nuôi, mỗi khay trứng bán với giá 100.000 đồng.

Từ thành công có được của mô hình nuôi dế thương phẩm, chú Thông đang tiếp tục xây dựng thêm chuồng để phát triển mở rộng mô hình để có dế bán thường xuyên, giúp tăng thu nhập. Chú đang có kế hoạch nuôi rắn mối để tận dụng những con dế bị chết làm thức ăn cho chúng. Ngoài ra, chú cũng hướng dẫn bà con cùng làm để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: