• Nông nghiệp

Thủy lợi góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp

23/02/2019 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 23/02/2019 | 13:00

STO - Để phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, vấn đề thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng và mang tính chiến lược, bởi hệ thống thủy lợi thông suốt sẽ đảm bảo việc tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi; đồng thời giúp cho việc vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch được dễ dàng hơn, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá thành sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 156 cống dưới đê, hơn 93km đê biển, 301km đê sông và đê cửa sông, 83km đê bao các cồn tại huyện Kế Sách, 931km kênh cấp I, 4.655km kênh cấp II, 86 trạm bơm điện vừa và nhỏ, 27 trạm bơm dầu tập trung… Các dự án thủy lợi nêu trên không ngừng được đầu tư hoàn thiện, tạo nguồn và cải tạo môi trường sản xuất nông nghiệp, phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ. Đồng thời, để đảm bảo hệ thống thủy lợi và phát huy được hiệu quả tốt nhất, hàng năm, Chi cục Thủy lợi còn phối hợp các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra thường xuyên hệ thống đê bao, các cống dưới đê, nhằm kịp thời phát hiện hư hỏng để qua đó đề xuất ngành chức năng tỉnh gia cố các đoạn đê, sửa chữa các cống ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời.

Hệ thống thủy lợi thông thoáng giúp các địa phương thuận tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy.

Nói về hiệu quả của thủy lợi, ông Lê Văn Thành, xã Phú Hữu (Long Phú) chia sẻ: “Khoảng 10 năm trở lại đây, việc canh tác lúa của bà con nông dân trên địa bàn xã rất thuận lợi, bởi nguồn nước tại các kênh dồi dào và thời gian gần đây, trước biến đổi phức tạp của thời tiết, nước mặn tràn về thì người dân chúng tôi cũng yên tâm sản xuất bởi đã có các cống ngăn mặn. Nhờ đó, lúa và các loại rau màu luôn đảm bảo có nước tưới thường xuyên, đặc biệt là năng suất lúa tăng đáng kể”.

Còn ông Đỗ Văn Phương, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) cho rằng: “Chính nhờ có hệ thống thủy lợi rộng khắp mà gia đình tôi đã tận dụng đất trồng lúa để đưa cây màu xuống chân ruộng. Để canh tác cây màu, nếu không có nước tưới thường xuyên sẽ không đảm bảo được năng suất cũng như cho ra sản phẩm sau thu hoạch có chất lượng tốt. Tôi rất phấn khởi vì Nhà nước quan tâm đầu tư mở các tuyến kênh tạo nguồn nội đồng dẫn nước đến tận ruộng của hộ dân sản xuất nông nghiệp và các kênh được nạo vét thường xuyên tạo dòng chảy thông thoáng và góp phần đưa các loại máy móc phục vụ cày xới trước khi xuống giống và máy gặt đập liên hợp tới cánh đồng. Các thương lái tới mùa thu hoạch mua lúa hay các loại nông sản có thể dùng các phương tiện là ghe lớn chuyên chở nông sản vào tận đồng để thu mua hàng hóa của nông dân. Từ đó, hộ dân nhiệt tình sản xuất vì không còn ngán ngại việc tự mình vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch, giảm chi phí, tăng lợi nhuận”.

Mặc dù thủy lợi đã có nhiều đóng góp lớn trong phát triển nông nghiệp nhưng chỉ ở mức ngăn mặn, tạo nguồn tưới tiêu tại các vùng chính, còn tại một số huyện như: Mỹ Tú, Thạnh Trị và TX. Ngã Năm thuộc vùng trũng, khi có thời tiết bất lợi như mưa kéo dài sẽ gây ngập úng. Ngoài ra, hàng năm nước lũ từ thượng nguồn kết hợp triều cường dâng cao thì khả năng phòng chống thiên tai của các hệ thống đê, bờ bao còn hạn chế, nhất là các khu vực trọng yếu như: đê bao tả - hữu huyện Cù Lao Dung, đê biển TX. Vĩnh Châu hay đê bao các cồn tại các huyện: Kế Sách, Long Phú và khắc phục các vùng trọng yếu về thủy lợi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho biết: “Ngành nông nghiệp xác định thủy lợi là khâu đột phá đi đầu để phát triển các tiềm năng kinh tế nông nghiệp của tỉnh, các dự án thủy lợi được quy hoạch đúng hướng, mang tính bền vững, từng bước hoàn thiện. Đồng thời, để phát triển thủy lợi từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, ngành nông nghiệp thực hiện một số giải pháp trọng tâm là rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống thủy lợi giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư ổn định ngọt hóa tại các huyện: Long Phú, Kế Sách, Cù Lao Dung và đảm bảo cung cấp nguồn nước cải tạo môi trường cho 2 vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh là TX. Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên cũng như theo dõi, đôn đốc các huyện, thị xã triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống trạm bơm vừa và nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, ngành nông nghiệp chỉ đạo đơn vị chuyên môn quản lý thủy lợi hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thủy lợi theo kế hoạch đã đề ra nhằm phục vụ tốt cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông và nâng cao năng lực phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ sản xuất”. 

Đồng chí Lương Minh Quyết cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu trên, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đóng góp của người dân thì chắc chắn hệ thống thủy lợi phát triển bền vững, đáp ứng được mọi sự mong đợi của người dân về nguồn nước dành cho sản xuất, đảm bảo hệ thống đê bao vững chắc.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: