• Nông nghiệp

Ứng dụng hiệu quả kỹ thuật sạ lúa theo hàng

01/08/2017 18:44 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: T.X
  • Thứ Ba, 01/08/2017 | 18:44

STO - Để tiết kiệm giống, phân bón và hạn chế sâu bệnh phá hoại, bà con nông dân Khmer trên địa bàn huyện Long Phú đã ứng dụng rộng rãi quy trình sạ lúa theo hàng bằng máy kéo tay, kết quả bước đầu cho hiệu quả rất tích cực, được đánh giá là bước đi thích hợp cho quá trình cơ giới hóa nông nghiệp.

Xã Long Phú là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer, chiếm khoảng 79% dân số toàn xã, đây còn là địa phương nằm trong vùng đê bao thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt và chịu tác động nặng nề trong điều kiện biến đổi khí hậu nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Với 3.912ha diện tích trồng lúa, thời gian qua, nông dân xã Long Phú có thói quen canh tác lúa theo phương pháp truyền thống, sạ lan bằng tay khoảng 25kg - 30kg lúa giống/công, sử dụng nhiều phân, thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa sâu bệnh. Do sạ với mật độ dày nên lúa dễ nhiễm bệnh, tốn nhiều phân, thuốc, thân yếu, dễ đổ ngã… làm tăng chi phí sản xuất, tăng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phẩm chất lúa gạo. Từ thực trạng trên, trong năm 2016, xã Long Phú được chọn triển khai thực hiện Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng” (VnSAT-ST), từ đó bà con nông dân trên địa bàn xã có cơ hội tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình 3 giảm, 3 tăng (3G3T), 1 phải, 5 giảm (1P5G) và ứng dụng các kỹ thuật vào đồng ruộng có hiệu quả.

Đồng ruộng của ông Lâm Chiên áp dụng phương pháp sạ hàng bước đầu có hiệu quả.

Ông Lâm Chiên, hộ nông dân Khmer ngụ ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú cho biết: “Vụ Hè - Thu năm nay, tôi áp dụng kỹ thuật canh tác lúa bằng phương pháp sạ hàng bằng máy kéo tay trên nền diện tích 5.000m2. Trước đây, tôi nghe nói sạ lúa bằng phương pháp này, nhưng chưa tận mắt thấy nên không dám áp dụng. Nhưng khi tham gia lớp tập huấn của Dự án VnSAT-ST, qua quá trình học hỏi và tham quan mô hình trình diễn của dự án thực hiện áp dụng sạ hàng rất hiệu quả nên tôi đã mạnh dạn thay đổi phương pháp sản xuất”. Còn anh Trần Văn Vương cũng là hộ nông dân Khmer, cùng ấp với ông Chiên góp lời: “Tôi áp dụng sạ lúa theo hàng đã được 3 năm. Trước đó, tôi được công ty cung cấp thuốc bảo vệ thực vật tặng máy sạ lúa theo hàng, nhưng chỉ dám sạ thử 10 công đất ở khu vực dễ khai thông đường nước. Kết quả, không chỉ giảm được chi phí sản xuất, tiết kiệm được giống lúa, lượng phân, thuốc, sâu bệnh trên lúa cũng giảm và cho năng suất không thua kém gì so với phương pháp sạ lan truyền thống. Sau khi áp dụng có hiệu quả, tôi đã trang bị thêm máy để thực hiện trên toàn bộ diện tích 4ha của mình và làm dịch vụ cho bà con trong vùng”.

Đồng chí Quách Kim Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú cho biết: “Năm qua, trên địa bàn xã có 2ha ruộng thực hiện mô hình trình diễn canh tác lúa theo quy trình 3G3T do Dự án VnSAT-ST phối hợp với địa phương thực hiện để giới thiệu cho bà con. Nhưng trong vụ Hè - Thu năm nay, đã có 41 hộ áp dụng canh tác theo kỹ thuật 3G3T; trong đó có 32 hộ là đồng bào Khmer, với tổng diện tích 83ha; cụ thể là giảm giống bằng phương pháp sạ hàng đang phát triển xanh tốt. Với những thay đổi tích cực trong phương thức canh tác của bà con, đặc biệt là bà con Khmer có phần hỗ trợ tích cực của Dự án VnSAT-ST trong công tác tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa 3G3T”. Để thay đổi tập quán sản xuất của bà con đồng bào Khmer tại xã Long Phú từ sạ lan sang sạ hàng với diện tích lên đến 83ha là một việc làm không hề dễ dàng, đó là nhờ sự tích cực vận động của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp, kết hợp của nhiều dự án diễn ra đồng thời, trong đó vai trò của giảng viên đứng lớp trực tiếp tập huấn, giảng dạy cho bà con là cực kỳ quan trọng. Kỹ sư Trần Thị Hạnh Quyên công tác tại Trung tâm Giống cây trồng là một trong số những giảng viên đứng lớp tập huấn chia sẻ: “Xã Long Phú là địa phương có học viên là đồng bào Khmer tham gia lớp học gần như 100%. Do học viên là đồng bào dân tộc, nên đa phần trình độ thấp và không đều nên tiếp thu rất chậm. Qua đó, chúng tôi phải rất cố gắng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm kỹ thuật canh tác cho bà con, thậm chí đơn vị còn huy động lực lượng giảng viên bên ngoài là người dân tộc để đứng lớp”. Cũng theo kỹ sư Trần Thị Hạnh Quyên, đồng bào Khmer rất khó thay đổi tập quán nhưng vì dự án có bố trí ruộng trình diễn mô hình và cho thu hoạch thành công nên bà con thấy thực tiễn mà thay đổi một cách tích cực. Đây là niềm vui chung của hầu hết anh chị em cùng làm công tác tập huấn, giảng dạy.

Dự án VnSAT-ST được triển khai từ vụ Hè - Thu năm 2016 trên địa bàn huyện Long Phú và xã Long Phú được chọn triển khai đầu tiên. Qua hơn một năm thực hiện cho thấy, dự án đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong việc áp dụng quy trình 3G3T. Đặc biệt, trong vụ Hè - Thu năm 2017, gắn liền với các lớp tập huấn là các mô hình trình diễn cụ thể để làm cơ sở để người dân đối chiếu, so sánh với cách sản xuất cũ của mình. Đồng chí Nguyễn Thanh Hồng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Năm qua, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với Dự án VnSAT-ST hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân thông qua các lớp tập huấn 3G3T, 1P5G giúp nông dân tiếp cận và áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, từ đó đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh”.

Mặc dù chưa đánh giá được tính hiệu quả cuối cùng (do chưa thu hoạch) nhưng trước mắt, người dân đã nhận thức được việc giảm lượng giống sẽ không ảnh hưởng đến khả năng phát triển cũng như năng suất lúa sau thu hoạch. Nếu trước đây theo tập quán, người dân sử dụng 15kg - 20kg lúa giống để gieo sạ cho 1.000m2, thì hiện nay lượng giống giảm chỉ còn 8kg - 10kg (giảm 50%) và chi phí giảm tương ứng 72.000 đồng - 120.000 đồng/1.000m2; ngoài ra, còn giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do hạn chế áp lực về sâu bệnh.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: