• Nông nghiệp

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng

Vì sao nên ghi chép nhật ký sản xuất?

16/03/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 16/03/2019 | 06:00

STO - Việc ghi chép lại quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp (nhật ký sản xuất) là việc làm vẫn còn mới mẻ với nhiều bà con nông dân, thế nhưng đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để truy xuất nguồn gốc đối với các loại sản phẩm xuất khẩu, góp phần tăng giá trị sản phẩm.

Lợi ích thiết thực

Tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành (Kế Sách), bà con xã viên và ngành chức năng nơi đây đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất theo quy chuẩn an toàn nên đã thực hiện rất tốt trong việc ghi chép nhật ký sản xuất. Ông Nguyễn Văn Đậm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tín Phát cho biết: “Năm 2016, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST) được triển khai thực hiện tại địa phương, từ đó bà con nông dân chúng tôi được tập huấn hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất lúa theo chuẩn an toàn”.

Ông Huỳnh Văn Đậu là thành viên của HTX Nông nghiệp Tín Phát cho biết: “Trước giờ, bà con nông dân có khi nào ghi lại hoạt động sản xuất trên ruộng của mình đâu, nhưng bây giờ thực hiện quen rồi thì tôi thấy được lợi ích. Thông tin đều được ghi chép lại nên bà con có thể tự tính toán được hiệu quả kinh tế và đồng thời tích lũy kinh nghiệm cho vụ sau để mình làm tốt hơn”.

Ông Bùi Công Minh cũng là thành viên của HTX Nông nghiệp Tín Phát góp lời: “Mỗi vụ lúa tôi đều ghi chép vào sổ nhật ký sản xuất đầy đủ vì rất có lợi cho mình. Chẳng hạn như mỗi vụ lúa thì điều kiện thời tiết cũng như dịch bệnh xuất hiện trên lúa ở từng vụ ra sao. Khi đó, mình biết vụ nào xảy ra dịch hại gì và ra thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý…”.

Ghi chép nhật ký đồng ruộng là yêu cầu bắt buộc khi áp dụng sản xuất lúa an toàn.

Hình thành thói quen

Huyện Châu Thành cũng là một trong những địa phương tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, trong đó có lúa. Theo đó, nông dân được đánh giá là có trình độ sản xuất, nhanh nhạy trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng việc ghi chép nhật ký sản xuất cũng chưa được quan tâm. Ông Ngô Văn Tài Em - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An, xã Phú Tân cho biết: “Việc ghi chép nhật ký sản xuất đã được hướng dẫn từ khi địa phương được hỗ trợ thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, tuy nhiên đến nay chỉ có một số bà con trong xã viên tham gia sản xuất lúa theo VietGAP mới ghi chép”.

Ông Huỳnh An Khương - cán bộ phụ trách hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất cho biết: “Để thay đổi một thói quen sản xuất của nông dân không phải là chuyện đơn giản, ban đầu có hộ thực hiện ghi chép nhưng không chính xác, có hộ thì để cả tuần mới viết, có hộ thì khi nào có kiểm tra mới viết… Phải mất một thời gian dài phân tích lợi ích của việc ghi chép cùng với nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên, các hộ mới thực hiện nề nếp”.

Duy trì lâu dài

“Nhật ký sản xuất” là yêu cầu cơ bản để các cơ quan chức năng có thể tiến hành xác nhận và tái xác nhận sản phẩm bảo đảm an toàn; còn là điều kiện tiên quyết trong việc đánh giá trình độ áp dụng kỹ thuật công nghệ của nông dân vùng dự án trong hoạt động xét duyệt TCND/HTX vùng dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Đồng thời cũng để sản phẩm đạt được 4 yêu cầu cơ bản gồm: an toàn cho người sử dụng, an toàn cho người sản xuất, thân thiện với môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Nhưng trên thực tế, khi đánh giá về một hoạt động sản xuất nông nghiệp, người ta thường chỉ tập trung đánh giá trình độ canh tác hay việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mà hầu như không chú ý đến hoạt động ghi chép nhật ký sản xuất. Điều này cũng cho thấy vì sao từ trước đến giờ, việc ghi chép nhật ký sản xuất chưa được quan tâm thực hiện.

Để khắc phục hạn chế trên, Ban Quản lý Dự án (BQLDA) VnSAT-ST thực hiện trong mỗi lớp tập huấn kỹ thuật có lồng ghép hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký sản xuất. Đồng thời, mỗi tổ thực hiện dự án xã bố trí 2 cán bộ hỗ trợ nông dân ghi chép nhật ký sản xuất trong suốt mùa vụ của năm. Theo kế hoạch năm 2019, BQLDA VnSAT-ST sẽ tiến hành cấp phát 20.000 cuốn sổ ghi chép nhật ký sản xuất cho nông dân vùng dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sau khi kết thúc dự án vẫn tiếp tục duy trì thói quen ghi chép nhật ký sản xuất.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: