• Pháp luật - Bạn đọc

“Bẫy” bán tiền giả trên mạng, tuy cũ nhưng nhiều người vẫn bị sập

05/03/2018 10:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 05/03/2018 | 10:00

STO - Chỉ cần gõ từ khóa “mua tiền giả”, lập tức xuất hiện hàng loạt trang mạng xã hội Facebook, Zalo rao bán tiền giả với tỉ lệ quy đổi 1 triệu tiền thật đổi lấy 10 triệu tiền giả, thậm chí là 12 triệu tiền giả, mua càng nhiều thì mức chênh lệch càng cao.

Đa số các trang rao bán tiền giả đưa ra những thông tin có cánh như tiền được làm bằng polymer, giống tiền thật 95%, có khi quảng cáo lên đến con số gần tuyệt đối thật 99%, chất lượng hoàn hảo đến mức mắt thường không thể phân biệt được, chỉ có máy kiểm tra tiền mới phân biệt, được nhập từ Thái Lan, Campuchia… và có đầy đủ các mệnh giá khiến cho nhiều người “động lòng” muốn mua. Với sự chênh lệnh giá trị, 1 đổi 10, 1 đổi 12 nên nhiều người chấp nhận giao dịch.

Tuy nhiên, việc mua bán, giao hàng, nhận hàng cũng có nguyên tắc riêng. Đa số các trang rao bán tiền giả đòi thanh toán trước một phần hay trả đủ qua hình thức chuyển khoản, nạp thẻ cào, thẻ FPT gate… hay giao hàng qua đường bưu điện mới nhận tiền. Hình thức giao dịch qua đường bưu điện được người mua yên tâm bởi cũng thấy được hàng (tuy nhiên cũng không thể kiểm tra bên trong vì đây là hàng cấm, không để “lộ thiên” chốn đông người). Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng rao bán tiền giả trên mạng nhưng thực chất chỉ để lừa lấy tiền thật.

Công an lấy lời khai đối tượng mua bán tiền giả trên mạng xã hội. Ảnh: MT

Gần đây, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện và tiến hành điều tra, xử lý đối tượng Ông Nhựt Trường ở TP. Sóc Trăng rao bán tiền giả trên mạng xã hội. Tại cơ quan chức năng, Trường khai nhận từ khoảng tháng 6 đến tháng 11-2017, Trường sử dụng tài khoản Facebook và Zalo để rao bán tiền giả với tỉ lệ 1 triệu đồng tiền thật đổi 12 triệu đồng tiền giả. Trường cũng thông tin bán đủ các mệnh giá tiền từ 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Khi có người liên hệ thì Trường nhắn tin hay điện thoại trực tiếp để biết khách đặt mua bao nhiêu tiền giả, với mệnh giá nào và hứa hẹn giao hàng uy tín và chất lượng, cũng như giải đáp mọi thắc mắc mà người mua cần biết. Hình thức thanh toán, giao hàng chủ yếu qua đường bưu điện. Nhưng thay gì giao mặt hàng khách cần mua là tiền giả thì Trường lại giao khăn giấy ướt. Vì không thể kiểm tra hàng trước khi đưa tiền, nên nhiều người đành mất tiền thật để lấy tiền giả bằng (khăn giấy ướt).

Chỉ trong thời gian khoảng 6 tháng, Trường có khoảng 40 lần giao dịch qua bưu điện, trong đó, 23 lần giao dịch thành công với tổng số tiền thu được là 19,9 triệu đồng. Tại cơ quan chức năng, Trường cũng khai nhận là mình không có tiền giả, chủ yếu là lừa tiền người muốn mua tiền giả. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Trường làm liều, kiếm tiền giúp đỡ gia đình.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc lừa bán tiền giả qua mạng với số tiền chiếm đoạt hàng chục, hàng trăm triệu đồng, có khi lên đến con số hàng tỉ đồng như vụ bà H (Hà Nội) mất trắng 4,2 tỉ đồng tiền thật để mua 18 tỉ đồng tiền giả qua mạng; 9 thanh thiếu niên (Thừa Thiên - Huế) đã lập nhiều tài khoản Facebook rao bán tiền giả trên mạng xã hội, đã lừa đảo được số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng… Các vụ việc trên như là hồi chuông cảnh tỉnh những người có ý định mua tiền giả nhằm mục đích vụ lợi bất chính.

Theo Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Sóc Trăng, đa số vụ rao bán tiền giả trên mạng bị phát hiện thì đối tượng không có nguồn tiền giả mà chủ yếu là muốn lừa đảo, bẫy những người hám lợi. Mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi phạm pháp, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Nếu hành vi này bị phát hiện, cả người bán lẫn người mua đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Để đảm bảo an ninh tiền tệ và trật tự xã hội, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không tham gia vào mua bán, tàng trữ, lưu thông tiền giả, trong giao dịch cần hết sức cẩn trọng, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo và khi phát hiện tiền giả cần báo ngay cho công an để thu giữ, xử lý.

TNK

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: