• Pháp luật - Bạn đọc

Các bên tranh chấp có thể yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải

06/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 06/11/2017 | 06:00

STO - Vừa qua, nhiều bạn đọc gửi thư đến tòa soạn thắc mắc về điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại… Để thông tin cho bạn đọc các quy định về hòa giải thương mại, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin đồng chí vui lòng cho biết giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại phải đảm bảo điều kiện nào? Về trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải được quy định ra sao?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Điều 6 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại, có hiệu lực từ ngày 15-4-2017, quy định tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải; các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

Tại Điều 14 Nghị định này cũng quy định rõ về trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải. Cụ thể, các bên có quyền lựa chọn quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

Phóng viên: Thưa đồng chí, quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải thương mại được quy định như thế nào?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Điều 13 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, hòa giải viên thương mại, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải; đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải; yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai; được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải; các quyền khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, các bên tranh chấp có các nghĩa vụ trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo đề nghị của hòa giải viên thương mại; thi hành kết quả hòa giải thành; trả thù lao và chi phí dịch vụ hòa giải thương mại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Phóng viên: Vậy, nếu hòa giải thành thì văn bản về kết quả hòa giải thành được pháp luật quy định ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Điều 15 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định khi đạt được kết quả hòa giải thành, các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Văn bản về kết quả hòa giải thành gồm các nội dung chính, như: Căn cứ tiến hành hòa giải; thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ việc; thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện; các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, văn bản về kết quả hòa giải thành có chữ ký của các bên và hòa giải viên thương mại. Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Phóng viên: Thưa đồng chí, theo quy định thì có bao nhiêu loại tổ chức hòa giải thương mại và tổ chức hòa giải thương mại có những quyền, nghĩa vụ gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Điều 18 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP tổ chức hòa giải thương mại bao gồm: Trung tâm hòa giải thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định này; trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo pháp luật về trọng tài thương mại thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.

Căn cứ Điều 24 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì tổ chức hòa giải thương mại có quyền thực hiện hoạt động hòa giải thương mại; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thương mại; thu thù lao và các khoản thu hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại; xây dựng tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại và quy trình xét chọn, lập danh sách, xóa tên hòa giải viên thương mại trong danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình; chỉ định hòa giải viên thương mại theo yêu cầu của các bên; các quyền khác theo quy định Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, tổ chức hòa giải thương mại có nghĩa vụ lập, công bố danh sách hòa giải viên thương mại, gửi danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hòa giải thương mại đăng ký hoạt động trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc kể từ ngày quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho trung tâm trọng tài có hiệu lực hoặc kể từ ngày có thay đổi về danh sách hòa giải viên thương mại. Trả thù lao và các chi phí khác cho hòa giải viên thương mại. Ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; xây dựng, ban hành và công bố công khai quy tắc hòa giải, mức thù lao hòa giải; báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi đăng ký hoạt động về tổ chức, hoạt động định kỳ hàng năm và khi có yêu cầu. Lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin về kết quả hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các nghĩa vụ khác theo quy định Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Thạch Thảo (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: