• Pháp luật - Bạn đọc

Cần quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế

04/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 04/09/2019 | 06:00

STO - Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng kéo dài từ nhiều năm được quan tâm chỉ đạo, xử lý dứt điểm. Các vụ việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng được xem xét, xác minh thận trọng, nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Đồng chí Nguyễn Hồng Phuông - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo Sóc Trăng liên quan đến công tác này.

Phóng viên: Đồng chí nhận định như thế nào về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế (PCTPTNKT) trong hai cấp?

Đồng chí Nguyễn Hồng Phuông: Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với yêu cầu nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án hình sự của ngành kiểm sát nhân dân theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thời gian qua, lãnh đạo VKSND hai cấp đã chỉ đạo công chức hai cấp tích cực thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp trên các lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Nhìn chung, việc giải quyết các vụ án TNKT đảm bảo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, về đấu tranh PCTP. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo VKSND hai cấp đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án hình sự luôn được tăng cường, không ngừng nâng cao về chất lượng. Đặc biệt, lãnh đạo viện luôn chọn các kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng để giao nhiệm vụ. Do đó, việc giải quyết loại án này được nhanh chóng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu PCTPTNKT ở địa phương, các kiểm sát viên được phân công đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, vô tư trong thực hiện nhiệm vụ.

Phóng viên: Đối với công tác thực hiện quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về TNKT được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hồng Phuông: Công tác thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra nói chung đối với nguồn tin có dấu hiệu tội phạm về TNKT luôn được VKSND hai cấp quan tâm chỉ đạo thực hành quyền công tố và kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận, phân loại xử lý và giải quyết. Khi tiếp nhận, cơ quan điều tra và VKSND đều ra quyết định phân công điều tra viên và kiểm sát viên giải quyết kịp thời; phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đảm bảo 100% tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố được kịp thời giải quyết có căn cứ, đúng pháp luật.

Trong 5 năm qua, VKSND đã thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 23 nguồn tin về tội phạm có dấu hiệu của tội phạm về TNKT. Trong đó, số nguồn tin nghiêm trọng, tính chất phức tạp dư luận xã hội quan tâm được cơ quan điều tra khởi tố là 6 vụ, 26 bị can. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, hàng năm, VKSND hai cấp còn tổ chức trực tiếp kiểm sát tại cơ quan điều tra cùng cấp. Qua đó, đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm nhằm đảm bảo công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật.

Phóng viên: Đồng chí vui lòng cho biết về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra về các vụ án TNKT?

Đồng chí Nguyễn Hồng Phuông: Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-VKSTC, ngày 6-12-2013 về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, PCTP. Hàng năm, VKSND hai cấp chủ động đề ra nhiều biện pháp tích cực nhằm tác động cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự. Ở từng vụ án, kiểm sát viên đã đề ra yêu cầu điều tra kịp thời, đảm bảo có căn cứ, sát với nội dung vụ án, nắm chắc tiến độ điều tra. Trước khi kết thúc mỗi giai đoạn tố tụng, kiểm sát viên phối hợp chặt với điều tra viên tham gia lấy lời khai, hỏi cung và tự mình thực hiện phúc cung đối với từng bị can, đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Trong cùng kỳ, cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra 22 vụ, 43 bị can liên quan đến tội phạm TNKT, trong đó, án thuộc loại nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm là 6 vụ, 26 bị can.

Phóng viên: Công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố các vụ án TNKT được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hồng Phuông: Qua kết quả điều tra, truy tố cho thấy số lượng án TNKT nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm phát sinh trên địa bàn tỉnh không nhiều. Tuy nhiên, các vụ án đều có liên quan đến cán bộ có chức vụ nên việc truy tố gặp nhiều khó khăn. Hành vi phạm tội của các đối tượng chủ yếu lợi dụng sự sơ hở trong quản lý, thiếu kiểm tra của cấp trên, quy định chưa chặt chẽ của pháp luật...

Phiên tòa xét xử liên quan đến án tham nhũng. Ảnh: C.H

Phóng viên: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cấp có gặp khó khăn, vướng mắc gì và theo đồng chí làm sao để giải quyết án TNKT đạt chất lượng?

Đồng chí Nguyễn Hồng Phuông: Mặc dù đã có quy chế phối hợp, có sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng thời gian qua quan điểm của các cơ quan tư pháp về sử dụng, đánh giá chứng cứ; về định tội danh hoặc xác định tội phạm hay quan hệ pháp luật khác đối với tội phạm về TNKT còn khác biệt khá lớn dẫn đến nhiều trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết, có trường hợp VKSND truy tố, tòa tuyên bị cáo không phạm tội; công tác thanh tra vẫn chưa được phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để phân loại xử lý, dẫn đến hạn chế hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Chính sách đãi ngộ, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tham nhũng chưa kịp thời. Bên cạnh đó, đối tượng tham nhũng, tội phạm kinh tế đa số là người có chức vụ, quyền hạn. Do vậy, việc điều tra, truy tố gặp rất nhiều khó khăn nên đôi khi việc đưa ra xử lý cũng chưa thật sự được triệt để; việc trưng cầu giám định tư pháp đối với các vụ án, vụ việc về kinh tế, chức vụ cũng gặp nhiều khó khăn; một số vụ án tham nhũng chưa được đưa ra xử lý kịp thời; việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng cũng chưa được thực hiện đầy đủ.

Để giải quyết vụ án TNKT đạt chất lượng, hiệu quả cần phải có sự nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng địa phương. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần thu hẹp sự khác biệt trong nhận thức; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi tham nhũng với các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo kịp thời đưa các hành vi tham nhũng ra xử lý ngay khi phát hiện.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Sớm Mai (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: