• Pháp luật - Bạn đọc

Chế tài hành vi truyền đạo trái phép

12/05/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo SGGP Online
  • Thứ Bảy, 12/05/2018 | 06:00

Gần đây, dư luận xôn xao về việc một số người lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân để tuyên truyền, giảng đạo trái pháp luật, gây ra những hệ lụy tiêu cực đến đời sống xã hội. Pháp luật nước ta có những quy định chế tài xử lý đối với hành vi truyền đạo trái pháp luật.

Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định rất cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Ép buộc, mua chuộc, hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm đạo đức xã hội, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Tổ chức, cá nhân nào có hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy từng tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một buổi truyền đạo trái phép của tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời”.

Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013 thì cá nhân có hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” sẽ bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm này thì mức phạt tiền 4 - 6 triệu đồng.

Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì phạt tù 2 - 7 năm.

Cùng với đó, hành vi dụ dỗ, lôi kéo mọi người tham gia trở thành tín đồ trái với mong muốn của họ, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo vệ, đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.

Theo đó, người nào dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì mức hình phạt cao nhất là 1 năm tù.

Đặc biệt, trường hợp phạm tội có tổ chức, hoặc phạm tội 2 lần trở lên, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, có thể bị phạt tù 1 - 3 năm.

Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC (Văn phòng Luật sư Phan Law Viet Nam)/Báo SGGP

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: