• Pháp luật - Bạn đọc

Chuyển biến tích cực từ công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm

25/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 25/02/2020 | 06:00

STO - Thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự nỗ lực cố gắng của các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự kiên trì, khắc phục khó khăn của các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Ảnh: K.N

Trên cơ sở các luật, văn bản của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 26-11-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, UBND tỉnh ban hành kế hoạch “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, thiếu niên giai đoạn 2010 - 2015” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh và kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ, giai đoạn 2018 - 2021”…

Trên cơ sở đó, năm 2019, các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở đã tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục hơn 100 cuộc có 1.575 lượt người dự. Nội dung tập trung vào các quy định về xóa án tích, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định của pháp luật về cư trú; về đạo đức, lối sống, nghị lực lập thân lập nghiệp; giáo dục tái hòa nhập cộng đồng, kỹ năng tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, từ chối việc rủ rê, lôi kéo của các đối tượng xấu và phòng tránh các tệ nạn xã hội, các quy định về chế độ chính sách đối với phạm nhân và nội quy nơi giam giữ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, duy trì các tiêu chí đã đạt trong chuyển hóa 11 địa bàn cấp xã trọng điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; thường xuyên tổ chức các diễn đàn tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức nhiều cuộc “Diễn đàn công an cơ sở lắng nghe ý kiến nhân dân”…

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm, phân tích và dự báo sát tình hình, để kịp thời triển khai các giải pháp phòng ngừa tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, các cấp, các ngành còn tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ, việc phức tạp về an ninh trật tự ngay tại cơ sở, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo vệ tuyệt đối các sự kiện chính trị, các mục tiêu công trình trọng điểm về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm đều giải quyết đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng thời hạn luật định, sau khi giải quyết xong đều có trả lời kết quả cho người tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong giải quyết tố giác, tin báo đã được thực hiện thống nhất; các trường hợp tin báo phức tạp, kéo dài thời gian xác minh hoặc tạm dừng xác minh đều có căn cứ theo quy định của pháp luật, góp phần hạn chế oan sai, bỏ sót tố giác, tin báo về tội phạm. Việc phát hiện, xử lý vi phạm hành chính thời gian qua đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo lực lượng chuyên trách thực hiện có hiệu quả và đạt được kết quả nhất định, góp phần ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lâm Thanh Vĩnh - Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, mục đích của việc giám sát đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm là để ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Để các cấp, các ngành làm tốt hơn nữa công tác này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có kiến nghị với UBND tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị, nghị quyết để chỉ đạo thực hiện kết luận và chỉ thị của Trung ương đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; định kỳ, đột xuất có chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện. UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ đối với công tác này; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt cũng như loại bỏ những mô hình không hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Riêng đối với cấp huyện, cần tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; chủ động rà soát, nắm tình hình các ổ nhóm trên địa bàn, đặc biệt các ổ nhóm tội phạm kiểu xã hội đen, tội phạm ma túy để có biện pháp trấn áp ngay từ đầu, không để phát sinh điểm nóng tại cơ sở.

K.N

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: