• Pháp luật - Bạn đọc

Con số chỉ ra tội phạm

10/05/2018 06:46 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 10/05/2018 | 06:46

STO - Công tác thống kê tội phạm đã giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá chính xác, khách quan tình hình vi phạm pháp luật; kết quả hoạt động trong phòng, chống tội phạm và chấp hành pháp luật. Đặc biệt, số liệu thống kê hình sự còn giúp cho lãnh đạo viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp nắm tình hình, diễn biến tội phạm, vi phạm và kết quả thực hiện chức năng của ngành. Từ đó, có sự chỉ đạo tích cực, hiệu quả và sát thực tế.

Để thống nhất trong phối hợp thực hiện công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm theo Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP, Viện trưởng VKSND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm cấp tỉnh với thành phần ban chỉ đạo (30 người) và bộ phận giúp việc (40 người). Sau đó, Ban chỉ đạo liên ngành (Công an, VKSND, Tòa án) đã kịp thời tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện hiệu quả.

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Việt Hoàn cho biết: “Mỗi ngành đều có phân công cán bộ làm công tác thống kê chuyên trách giúp việc cho ban chỉ đạo liên ngành. Định kỳ hàng tháng, viện kiểm sát phối hợp chặt chẽ với công an, tòa án cùng cấp thống kê đầy đủ các yêu cầu theo quy định của Thông tư liên tịch số 01 và biểu mẫu thống kê liên ngành về kết quả tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, kết quả giải quyết án hình sự cùng thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng”. 

Ngành Kiểm sát quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 01.

Đáng ghi nhận, mỗi đơn vị đều nêu cao tinh thần và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, đối với cơ quan công an thực hiện nghiêm túc việc ghi chép, tổng hợp số liệu về kết quả tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và thông báo kịp thời kết quả cho VKSND cùng cấp. Tòa án đảm bảo thực hiện việc thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự. Đồng thời, ra quyết định thi hành án hình sự thuộc thẩm quyền của mình và thông báo kết quả sang VKSND đúng quy định. Sau khi tiếp nhận số liệu thống kê do ngành cung cấp, VKSND đã thực hiện tốt công tác thu thập, tổng hợp, đối chiếu số liệu và thống kê kết quả, gửi liên ngành tiếp ký theo yêu cầu. Ngoài ra, cơ quan công an và tòa án còn thực hiện nghiêm túc công tác tiếp ký liên ngành theo mẫu thống kê do VKSND cung cấp. Do đó, số liệu liên ngành thống kê được thực hiện đầy đủ, trung thực và chính xác, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương.

Như vậy, VKSND đã làm tốt vai trò trung tâm lưu trữ dữ liệu thống kê hình sự, thống kê tội phạm, phân tích số liệu thống kê tội phạm, cung cấp và đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra. Chính công tác thống kê đã giúp các cơ quan tố tụng có những giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả và phục vụ đắc lực việc xây dựng báo cáo trước HĐND cùng cấp. Không những vậy, thống kê tội phạm còn giúp các đơn vị đề ra biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời, hạn chế được tối đa tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm cũng như việc kéo dài thời hạn điều tra, truy tố, xét xử buộc phải gia hạn... 

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, khó khăn. Bởi một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc bố trí cán bộ làm công tác thống kê và cán bộ thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ công tác khác. Về hệ thống sổ sách thụ lý, theo dõi nghiệp vụ phục vụ công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm liên ngành vẫn còn chồng chéo, khó thực hiện; tài liệu hướng dẫn thu thập các chỉ tiêu thống kê còn thiếu cụ thể, chưa được hướng dẫn thống nhất. Mỗi ngành mở sổ thụ lý riêng theo hướng dẫn của ngành mình nên còn nhiều quan điểm khác nhau trong nhận thức, thực hiện. Thời điểm lấy số liệu thống kê của mỗi ngành không đồng nhất, bất cập dẫn đến việc so sánh, đánh giá tình hình vi phạm và tội phạm chưa được toàn diện, khách quan, kịp thời, chính xác. Công tác phối hợp giữa các ngành đôi lúc còn chậm trễ, gây khó khăn cho cơ quan chủ trì thực hiện công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm liên ngành.

Theo đồng chí Nguyễn Việt Hoàn, để đảm bảo cho công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm đạt chất lượng cao, cung cấp những số liệu chính xác, liên ngành cần tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê. Theo đó, việc quản lý án làm công tác thống kê và tham mưu tổng hợp phải được giao cho những cán bộ có kiến thức và được bồi dưỡng chuyên sâu. Song song đó, phải đẩy mạnh khuyến khích tự đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học đối với cán bộ làm công tác thống kê và duy trì ổn định lâu dài, có tính chuyên nghiệp đối với cán bộ phụ trách công tác thống kê, tham mưu, tổng hợp. Quan trọng, phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan tiến hành tố tụng bằng cách thường xuyên tiến hành đối chiếu số liệu, tránh tình trạng công tác thống kê không kịp thời, thiếu chính xác. Các đơn vị VKSND cần phải chủ động mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo dõi, quản lý chặt chẽ mọi thông tin phát sinh có liên quan đến kết quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp để phục vụ tốt việc xây dựng các loại báo cáo thống kê theo yêu cầu.

Sớm Mai

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: