• Pháp luật - Bạn đọc

Các sở, ban ngành tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết trả lời kiến nghị của cử tri

08/02/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 08/02/2018 | 06:00

STO - Cử tri huyện Mỹ Tú đề nghị có giải pháp nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất của các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới để chuẩn bị cho việc tái công nhận.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Theo quy định, giai đoạn 2016 - 2020, không thực hiện tái công nhận xã nông thôn mới; căn cứ theo Quyết định số 2540/QĐ-TTg, ngày 30-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể: “Các xã, huyện sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thì tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy ý kiến góp ý dự thảo quyết định quy định về xã nông thôn mới kiểu mẫu trình Thủ tướng Chính phủ. Theo dự thảo, xã nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt 4 nội dung:

Được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Được chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đạt các tiêu chí: Tiêu chí thu nhập (thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,5 - 2 lần so với thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn) và hộ nghèo (không có hộ nghèo, trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định hoặc tai nạn rủi ro bất khả kháng); tiêu chí giáo dục - y tế - văn hóa; tiêu chí an ninh trật tự.

Đạt yêu cầu về kiểu mẫu theo lĩnh vực (về sản xuất, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự...).

Do đó, đề nghị đơn vị huyện Mỹ Tú chỉ đạo các xã đã được công nhận xã nông thôn mới tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện nâng chất các tiêu chí để đạt xã nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg, phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

* Cử tri huyện Long Phú đề nghị sớm có giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng tại khu vực xã Song Phụng thuộc dự án thủy lợi Kế Sách nhưng hiện nay chưa được khép kín.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Khu vực xã Song Phụng thuộc dự án thủy lợi Kế Sách. Hiện tại, vùng dự án chưa được đầu tư khép kín (đê, cống) do 6 cống, như: Rạch Mọp, Mỹ Hội, Rạch Vọp, Cái Trâm, Cái Cau, Cái Côn thuộc dự án quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1397/QĐ-TTg, ngày 5-9-2012 chưa được triển khai.

Thời gian qua, để ngăn mặn, triều cường phục vụ sản xuất, chủ yếu bằng hệ thống bờ bao (nạo vét kênh kết hợp làm bờ bao), cống, bọng nội đồng theo từng khu vực. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh có Công văn số 1992/UBND-XD, ngày 15-12-2016 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị sớm triển khai 6 hạng mục cống nêu trên.

* Cử tri huyện Cù Lao Dung đề nghị có chính sách hỗ trợ nông dân trồng mía giảm bớt khó khăn khi chịu tác động từ nhiều yếu tố bất lợi, như: giá cả sụt giảm, thiếu nhân công thu hoạch, thời tiết không thuận lợi.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân trồng mía.

Cụ thể, thực hiện cánh đồng mía mẫu tại 2 xã Đại Ân 1 và An Thạnh 2 (Cù Lao Dung), với diện tích 51,88ha, giống là Khonkhen 3, K95-156, KPS 01-25. Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí giống, 50% chi phí máy vô chân mía. Duy trì ổn định vùng nguyên liệu tại huyện Cù Lao Dung và Mỹ Tú. Tiếp tục phát triển mở rộng nguồn nguyên liệu trên địa bàn huyện Long Phú và Trần Đề. Năng suất dự kiến đạt từ 100 tấn/ha trở lên, chữ đường bình quân lớn hơn 10,5 CCS.

Nhà máy đường thu mua mía bằng việc ký kết hợp đồng để đầu tư giống, phân hữu cơ vi sinh, kỹ thuật canh tác, chăm sóc mía. Công ty có các chính sách thưởng đạt sản lượng, thưởng chữ đường, hỗ trợ lãi suất, vốn đầu tư... đối với những hộ chuyển đổi cây trồng khác sang cây mía, có chính sách hỗ trợ chi phí cải tạo đất.

Ngoài ra, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tổ chức nghiên cứu các giống mía mới. Sản xuất thử các giống mía chất lượng cao, tổ chức hội thảo đánh giá giống mía nhằm tuyển chọn và giới thiệu các giống mía mới triển vọng, năng suất và chữ đường cao, thích hợp cho đất đai, khí hậu của địa phương... nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân.

* Cử tri TP. Sóc Trăng đề nghị đầu tư nâng cao hai bên bờ kênh đê bao tại Khóm 6, Phường 4 và di dời cống ngăn mặn ra đầu rạch Tài Công giáp với kênh Saintard.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư tuyến đê Mỹ Thanh - Phú Hữu qua khu vực Khóm 6, Phường 4 (TP. Sóc Trăng). Trên tuyến đê tại khu vực này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng 1 cống hở B= 3,0m cửa van đóng mở tự động, được đưa vào sử dụng từ năm 2011. Phần diện tích đất sản xuất phía trong đê đảm bảo yêu cầu ngăn mặn, ngăn triều cường phục vụ sản xuất. Phần diện tích phía ngoài đê chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, phần còn lại trồng một số loại cây như mía, hoa màu bị ngập khi triều cường dâng cao (từ tháng 10 - 12) gây thiệt hại cho sản xuất.

Về giải pháp: Vì diện tích bị ngập nằm ngoài đê, chỉ có những hộ trồng mía và cây màu bị ảnh hưởng. Do vậy, trước mắt đề nghị UBND TP. Sóc Trăng xem xét chỉ đạo bố trí lại sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế để hạn chế thấp nhất do triều cường nếu có xảy ra. Đầu tư công trình thủy lợi cho khu vực ngoài đê nêu trên, với mục tiêu vừa đảm bảo trồng mía, hoa màu không bị ngập; đồng thời, đảm bảo về môi trường và giao thông thủy để nuôi trồng thủy sản. Do kinh phí đầu tư tương đối lớn (trên 30 tỉ đồng để làm cống, đê bao và giải phóng mặt bằng), trong khi nguồn vốn đầu tư công năm 2016 - 2020 đã phân bổ hết, nguồn ngân sách tỉnh hạn chế.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND TP. Sóc Trăng có phương án hỗ trợ khu vực nêu trên, như: chuyển đổi cơ cấu sang nuôi trồng thủy sản hoặc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ (mía, hoa màu) tránh những tháng triều cường thay cho đầu tư thủy lợi.

* Cử tri TX. Vĩnh Châu đề nghị thực hiện việc gia cố đê biển, các đoạn xung yếu vào mùa triều cường cuối năm.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và địa phương khảo sát hiện trường các điểm xung yếu trên tuyến đê biển Vĩnh Châu để có kế hoạch gia cố, chuẩn bị ứng phó với các đợt triều cường cuối năm.

Ngày 14-11-2017, Sở NN - PTNT có Công văn số 1997/SNN-XDCT trình UBND tỉnh, về việc xin chủ trương sử dụng kinh phí kết dư nguồn cấp bù thủy lợi phí (trong đó có gia cố sạt lở khu vực cống số 2). Đồng thời, để bảo vệ tuyến đê, đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy lợi gia cố tạm, khi UBND tỉnh có chủ trương, Sở NN - PTNT sẽ tiến hành triển khai thi công ngay.

* Cử tri TX. Vĩnh Châu cũng đề nghị đầu tư nạo vét tuyến Kênh 300, Kênh 700 để tạo nguồn cung cấp nước cho hoạt động sản xuất.

Đồng chí Lương Minh Quyết cho biết: Công trình Kênh 300 và Kênh 700 do TX. Vĩnh Châu quản lý (Quyết định số 04/QĐ-UBND, ngày 5-2-2015 của UBND tỉnh). Năm 2016, để ứng phó với nắng hạn xâm nhập mặn, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để thị xã nạo vét hai tuyến kênh này.

Tuy nhiên, do tốc độ bồi lắng rất nhanh từ biển nên 2 tuyến kênh nêu trên khoảng 2 đến 3 năm phải nạo vét mới đảm bảo phục vụ sản xuất. Trước mắt, bằng nguồn cấp bù thủy lợi phí cấp về cho thị xã hàng năm, đề nghị địa phương có kế hoạch bố trí nạo vét để đảm bảo sản xuất.

* Cử tri huyện Mỹ Tú đề nghị xây dựng nhà máy nước xã Mỹ Tú.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Sở NN - PTNT chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khảo sát tuyến ống mạng cấp nước cho toàn xã Mỹ Tú, với tổng chiều dài là 25.600m, phục vụ cho 710 hộ dân. Tuy nhiên, danh mục công trình Trạm cấp nước tập trung xã Mỹ Tú chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Sở NN - PTNT đã trình UBND tỉnh và đề nghị xây dựng mới Trạm cấp nước tập trung xã Mỹ Tú, với công suất 960m3/ngày đêm, nguồn vốn đề nghị bố trí từ ngân sách tỉnh năm 2018. Qua kiến nghị của cử tri, Sở NN - PTNT ghi nhận và tiếp tục báo cáo UBND tỉnh, tìm nguồn vốn để thực hiện công trình.

* Cử tri huyện Thạnh Trị đề nghị chỉ đạo triển khai kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa tài nguyên tại huyện Thạnh Trị đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đồng chí Lương Minh Quyết: Hàng năm, Sở NN - PTNT phối hợp với địa phương tổ chức hội thảo diễn đàn về liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân với công ty, doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Sở NN - PTNT tiếp tục tổ chức hội thảo và mời gọi các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nông sản; đồng thời, địa phương cũng nên chủ động trong việc mời gọi và tạo điều kiện cho công ty, doanh nghiệp đến địa bàn để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

* Cử tri huyện Thạnh Trị đề nghị sớm triển khai nguồn vốn thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt và chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Về nguồn vốn triển khai dự án chăn nuôi bò thịt, ngày 12-6-2017, UBND tỉnh có Quyết định số 1299/QĐ-UBND giao vốn năm 2017. Trên cơ sở đó, Sở NN - PTNT triển khai các hoạt động điều tra, bấm tai, cấp sổ quản lý cá thể cho đàn bò tại địa phương được 4.500 con (riêng huyện Thạnh Trị là 1.200 con); hỗ trợ 20 con bò cái lai cho Phường 2 (TX. Vĩnh Châu); hỗ trợ 25 con bò cái lai tại xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành); hỗ trợ 50 con bò cái giống thuần cho Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh... Hiện nay, Sở NN - PTNT đang chỉ đạo ban quản lý dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động tại các địa phương theo kế hoạch vốn được giao (trong đó có huyện Thạnh Trị).

Đối với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ, Sở NN - PTNT đã xây dựng Kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ năm 2017 và khái toán kinh phí thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 (Công văn số 643/SNN-KHTC, ngày 20-4-2017), Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ NN - PTNT xin hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện (Công văn số 1502/UBND-KT, ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh); khi Trung ương hỗ trợ sẽ triển khai ngay.

* Cử tri TX. Ngã Năm đề nghị sớm hoàn chỉnh đề án phát triển cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lương Minh Quyết cho biết: Sở NN - PTNT phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tư vấn xây dựng “Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng”. Sở NN - PTNT đã lấy ý kiến các địa phương góp ý cho dự án và báo cáo thuyết minh dự án trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sở NN - PTNT sẽ cùng đơn vị tư vấn chỉnh sửa dự án theo góp ý của Ban Thường vụ, trình HĐND trong thời gian sớm nhất.

* Cử tri huyện Mỹ Tú đề nghị xây dựng trạm cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh khu vực xã Mỹ Phước và xã Mỹ Tú.

Theo đồng chí Lương Minh Quyết: Hiện nay, trên địa bàn xã Mỹ Phước có một trạm cấp nước tập trung với công suất 960m3/ngày đêm và 1.609 hộ đang sử dụng, trên tổng số 4.483 hộ, đạt tỷ lệ 36%. Năm 2016, thực hiện Dự án Nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ; trong đó thực hiện tại xã Mỹ Phước là 18.000m, năng lực phục vụ 886 hộ, đến nay đã kết nối được 424 hộ.

Qua kiến nghị của cử tri, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong xã, Sở NN - PTNT chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường phối hợp UBND xã tổ chức khảo sát nhu cầu mở rộng mạng cấp nước với tổng chiều dài 11.506m, phục vụ cho 402 hộ thuộc các ấp Phước Thới B, Phước Thới A, Phước Lợi B. Hiện trung tâm đã đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm 2018, khi huy động đủ nguồn vốn sẽ triển khai thi công.

* Cử tri huyện Mỹ Xuyên đề nghị tăng cường xây dựng chuỗi liên kết, nhằm giúp cho nông dân chọn được sản phẩm đầu vào chất lượng, giá cả hợp lý và an tâm sản xuất kết nối đầu ra của sản phẩm.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Thời gian qua, Sở NN - PTNT chỉ đạo cho các đơn vị thuộc ngành phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo và liên hệ công ty, doanh nghiệp để thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện (Công ty Minh Phú, Thủy sản Sạch) về giá cả do bà con nông dân thỏa thuận với các công ty, doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, sở tiếp tục mời gọi các công ty, doanh nghiệp liên kết bền vững hơn trong tiêu thụ. Bên cạnh đó, địa phương cũng nên chủ động trong việc mời gọi và tạo điều kiện cho công ty, doanh nghiệp đến địa bàn để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

* Cử tri huyện Mỹ Xuyên cũng đề nghị cần có giải pháp cụ thể về đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đồng chí Lương Minh Quyết: Việc sử dụng công nghệ cao là một trong những định hướng phát triển nông nghiệp. Trong thời gian qua, có nhiều địa phương, doanh nghiệp, nông dân tìm hiểu, đầu tư và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tuy nhiên, việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần thực hiện trên quy mô rộng để mang lại hiệu quả cao; đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi năng lực của doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế. Để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thành công, một số giải pháp được đề xuất như sau:

- Về phía địa phương cần rà soát lại các vùng sản xuất, có quy hoạch cụ thể việc xây dựng các khu vực, vùng triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, có thể sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, từ nguồn của Nhà nước, các chương trình dự án và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

- Các loại hình sản xuất theo công nghệ cao (đối tượng sản xuất) phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và trình độ kỹ thuật của vùng sản xuất. Đầu tư có trọng tâm các sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương, như: tại Mỹ Xuyên thế mạnh là rau màu (Đại Tâm, Tham Đôn), tôm - lúa (vùng 6 xã). Mỹ Xuyên có thể quy hoạch sản xuất rau theo hướng chuyên canh tập trung cho các loại rau có thế mạnh, nhằm tận dụng điều kiện thích nghi, tập quán canh tác để xây dựng các vùng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ứng dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, đảm bảo giá thành nhằm duy trì hiệu quả sản xuất.

- Xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới; mô hình sản xuất rau ứng dụng kỹ thuật tưới tự động, tưới tiết kiệm nước.

- Liên kết sản xuất, muốn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả phải gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phải có doanh nghiệp tham gia đầu tư và được người dân chấp nhận, đồng tình tham gia.

- Tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cho các cán bộ kỹ thuật, các doanh nghiệp, nông dân sản xuất, hợp tác xã... Thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện, trình diễn để khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các mô hình sử dụng kỹ thuật cao, công nghệ mới cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại...

* Cử tri huyện Kế Sách và Châu Thành đề nghị hỗ trợ, tập huấn cho ban giám đốc, ban điều hành các hợp tác xã, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, có cơ chế tiếp cận vốn từ các ngân hàng để nâng cao quy mô và chất lượng hoạt động của hợp tác xã.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các viện, trường và các địa phương tổ chức lớp tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về nâng cao năng lực, công tác quản trị điều hành, xúc tiến thương mại, nghiệp vụ kế toán, nghiệp vụ kiểm soát... cho các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, năm 2017 Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 12 lớp tập huấn tại tỉnh, nhưng đơn vị huyện Kế Sách có 20 cán bộ hợp tác xã và đơn vị huyện Châu Thành có 15 cán bộ hợp tác xã tham dự, số lượng cán bộ hợp tác xã của 2 huyện tham gia rất ít so với kế hoạch. Trong thời gian tới, đề nghị khi có thông báo chiêu sinh, 2 huyện nên cử cán bộ quản lý hợp tác xã tham gia đầy đủ hơn.

* Cử tri huyện Châu Thành quan tâm đến tình hình sản xuất lúa, thời gian vừa qua đã có chuyển biến tích cực, các nguồn lực của tỉnh, huyện đã được tập trung đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, tình hình sản xuất các giống lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Các mô hình sản xuất theo hướng an toàn VietGAP giá cả thấp, giá bán cao hơn bên ngoài 300 đồng/kg chưa tương xứng với giá trị mà nông dân sản xuất. Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị các ngành chức năng có những định hướng tháo gỡ khó khăn, hướng đến vùng nguyên liệu, liên kết bền vững trong tiêu thụ.

Đồng chí Lương Minh Quyết cho biết: Ngày 4-10-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2337/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đến năm 2020, diện tích lúa đặc sản các loại trong vùng đề án đạt 137.500ha. Sản lượng lúa đặc sản, lúa thơm đạt 800.000 tấn. Xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, phát triển ổn định, bền vững, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng; đồng thời, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao kiến thức, thu nhập của người trồng lúa đặc sản trong vùng đề án, môi trường canh tác được cải thiện tốt hơn.

Đề án được triển khai thực hiện tại 7 huyện, thị xã với tổng số 55 xã, phường, thị trấn, gồm các huyện: Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Mỹ Tú, Long Phú, Châu Thành và TX. Ngã Năm. Tại các vùng triển khai đề án, nông dân đều được hướng dẫn sản xuất lúa đặc sản theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, công nghệ sinh thái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả... Năm 2017, diện tích lúa đặc sản khoảng 177.088ha, đạt 118% so kế hoạch, tăng 28.625ha so với năm 2016. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Phước An xã Phú Tân (Châu Thành), với diện tích 61,94ha/24 hộ... giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị hạt lúa; đồng thời, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp giúp nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất tiêu thụ chỉ thực hiện được ở vụ Hè - Thu.

Để đảm bảo sự bền vững trong thực hiện liên kết tiêu thụ lúa đặc sản, nâng cao giá trị sản phẩm, bên cạnh sự hỗ trợ về kỹ thuật của các ngành chức năng kết hợp với sự quản lý của chính quyền địa phương, đòi hỏi cần có sự thống nhất trong phương án sản xuất, cơ cấu giống, giá cả thu mua sao cho đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiệp. Vấn đề này, không chỉ đặt ra trên cây lúa mà cả trên các loại cây trồng khác.

* Cử tri huyện Châu Thành đề nghị cho phép đầu tư xây dựng cụm trạm theo mô hình trung tâm khảo nghiệm, trình diễn các mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp, chọn lựa các giống mới; đào tạo nghề cho nông dân tham gia mô hình theo hình thức là đơn vị sự nghiệp, quản lý nguồn vốn khuyến nông của huyện và trực tiếp cùng nông dân thực hiện.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đề cập ở Mục 2.7. Sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN - PTNT): Sắp xếp lại, giảm mạnh đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp. Hợp nhất các trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông... cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các đơn vị này về phòng nông nghiệp (hoặc phòng kinh tế). Sáp nhập các cơ quan tương ứng ở cấp tỉnh, đưa chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan này về Sở NN - PTNT.

Do vậy, khi Chính phủ ban hành chương trình hành động cụ thể thực hiện nghị quyết với lộ trình và phân công trách nhiệm cho các ngành, các cấp thực hiện. Đề nghị của cử tri huyện Châu Thành sẽ được triển khai thực hiện theo quy định.

* Cử tri huyện Mỹ Xuyên đề nghị xem xét nguồn kinh phí bố trí sao cho tương xứng với chỉ tiêu và ngành nghề đào tạo được phân bổ.

Đồng chí Lương Minh Quyết cho biết: Trước hết, ngành NN - PTNT ghi nhận kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này hàng năm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm tham mưu phân bổ. Hiện nay, nguồn kinh phí địa phương còn khó khăn, nguồn vốn Trung ương phân bổ thấp, nên việc triển khai còn nhiều hạn chế. Ngành NN - PTNT tiếp tục đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương phân bổ vốn phù hợp để bố trí đáp ứng yêu cầu địa phương.

* Cử tri huyện Trần Đề đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến lộ và cầu tại ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú.

Theo đồng chí Lương Minh Quyết: Công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Trần Đề (lộ Tổng Cáng), thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) do Sở NN - PTNT làm chủ đầu tư, khởi công vào ngày 5-5-2016. Đến nay, đã hoàn thành cơ bản hơn 40%. Trong đợt kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình, theo nội dung kiểm tra của đoàn giám sát yêu cầu, có một số vấn đề trong quản lý tiến độ thi công lộ Tổng Cáng, Ban Quản lý Dự án (QLDA) CRSD báo cáo Sở NN - PTNT như sau:

Sau khi khởi công, nhà thầu đã thực hiện tiến độ rất tốt như kế hoạch thi công đề ra, nhưng kể từ đầu năm đến nay do kế hoạch vốn năm 2016 đã thanh toán. Đến tháng 7-2017 mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2017, nên đơn vị thi công chỉ thực hiện cầm chừng chờ được thanh toán vốn để triển khai tiếp tục. Tuy nhiên, đến khi triển khai thực hiện, ngay thời điểm thị trường vật tư tăng đột biến (cụ thể là giá cát tháng 5-2017 đến tháng 7-2017 tăng đỉnh điểm gấp hai lần); mặt khác, thời tiết mưa nhiều và có lúc bão nên nhà thầu thực hiện chậm so với tiến độ ban đầu.

Ban QLDA đã mời nhà thầu đến làm việc nhiều lần; đồng thời, thay đổi nhà thầu phụ thành nhà thầu chính và đã cải thiện được một ít, nhưng không đảm bảo tiến độ. Ban QLDA cùng lãnh đạo Sở NN - PTNT mời các bên và thống nhất chuyển giao nhà thầu khác để thi công nhanh, đưa công trình vào sử dụng. Nhằm thực hiện đúng cam kết với nhà tài trợ, Ban QLDA CRSD đề nghị Sở NN - PTNT báo cáo UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho gia hạn hợp đồng đến ngày 31-3-2018 (theo đề nghị của đơn vị thi công) để nhà thầu hoàn thành các công việc còn lại của công trình.

N.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: