• Pháp luật - Bạn đọc

Hành vi hôn người dưới 16 tuổi có thể bị kết tội dâm ô trẻ em

26/11/2019 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 26/11/2019 | 13:00

STO - Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao được ban hành ngày 1-10-2019 và có hiệu lực thi hành vào ngày 5-11-2019, hướng dẫn chi tiết một số điều (từ Điều 141 đến Điều 147) của Bộ luật Hình sự (BLHS) và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Để hiểu rõ hơn về quy định này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Trần Hùng Dũng - Chánh án TAND tỉnh.

Phóng viên: Đồng chí vui lòng cho biết về một số tình tiết định tội cụ thể theo hướng dẫn của Nghị quyết số 06?

Đồng chí Trần Hùng Dũng: Theo hướng dẫn của nghị quyết, giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện, không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập. Hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

Dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi như: dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi; dùng bộ phận khác trên cơ thể (tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác; các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).

Trình diễn khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức. Trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm là trường hợp người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào hoàn cảnh người bị hại không thể chống cự được; người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Thủ đoạn khác bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Trái với ý muốn của nạn nhân là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội. Người lệ thuộc và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng. Người đang ở trong tình trạng quẫn bách là trường hợp người bị hại đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách nhưng không tự mình khắc phục được mà cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác.

Phóng viên: Thưa đồng chí, những tình tiết nào sẽ định khung (mức án cao) và trường hợp nào không bị xử lý hình sự?

Đồng chí Trần Hùng Dũng: Một số tình tiết được xác định xét xử định khung như có tính chất loạn luân, phạm tội 2 lần trở lên, nhiều người hiếp một người, nhiều người cưỡng dâm một người.

Cũng theo nghị quyết, không xử lý hình sự trong trường hợp, người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục; người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục. Không xử lý hình sự đối với trường hợp người làm công tác giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người vì mục đích giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế.

Phóng viên: Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Hùng Dũng: Xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục sẽ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Khi đó, sẽ áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi. Đồng thời, áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.

Phóng viên: Vậy thì việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Trần Hùng Dũng: Về thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, tòa án phải thực hiện xét xử kín nhưng tuyên án công khai theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án.

Đối với loại án này, tòa án sẽ phân công thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi. Khi tham gia xét xử, thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của tòa án, không mặc áo choàng; xử án tại phòng xét xử thân thiện; phải có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, tòa án hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác. Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, tòa án tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa. Trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 3m. Câu hỏi đối với bị hại phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 1 giờ…

Đặc biệt, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, tòa án không được: Yêu cầu bị hại tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại; đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác; để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại; buộc bị hại phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa và không công khai bản án, quyết định của tòa án liên quan đến vụ án trên cổng thông tin điện tử của tòa án…

Tôi nghĩ rằng, mọi người nên tìm hiểu các quy định này và tuyên truyền trong cộng đồng dân cư để có sự nhận thức thống nhất, nâng cao ý thức phòng ngừa bảo vệ con em khỏi sự xâm hại của những hành vi bị coi là tội phạm.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Sớm Mai (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: