• Pháp luật - Bạn đọc

Hiệu quả bước đầu từ mô hình tổ vận động thi hành án dân sự

29/07/2017 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 29/07/2017 | 13:00

STO - Để góp phần công tác thi hành án dân sự (THADS) đạt hiệu quả ngày càng cao, Cục THADS đã thành lập thí điểm tổ vận động THADS tại một số địa phương.

Bước đầu thực hiện, tổ vận động THADS đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án và thể hiện được vai trò quan trọng của địa phương đối với công tác THADS.

Các đơn vị đánh giá về hiệu quả, khó khăn từ mô hình tổ vận động THADS.

Đồng chí Lê Việt Khải - quyền Trưởng Phòng nghiệp vụ và Tổ chức THADS, thuộc Cục THADS cho biết:  “Để phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác THADS, đầu năm 2017, Cục THADS đã thành lập đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm mô hình tổ vận động THADS tại các tỉnh bạn. Sau khi học tập, Cục THADS đã chỉ đạo các chi cục nghiên cứu thực hiện và đề xuất đến Trưởng Ban Chỉ đạo THADS địa phương cho thí điểm thành lập mô hình tổ vận động THADS”.

Trên cơ sở quán triệt, Chi cục THADS Mỹ Xuyên, TX. Vĩnh Châu, TP. Sóc Trăng đã đề xuất và được Ban Chỉ đạo THADS chấp thuận thành lập tổ vận động THADS tại các xã, phường, thị trấn. Đến nay, tại Mỹ Xuyên đã thành lập được 11 tổ và thực hiện vận động 756 vụ việc tương đương giá trị trên 50 tỉ đồng. Ở TX. Vĩnh Châu, thành lập được 10 tổ vận động và thực hiện 247 vụ việc tương đương giá trị gần 35 tỉ đồng. Còn ở TP. Sóc Trăng mới thành lập được 2 tổ vận động nên chưa đánh giá được kết quả hoạt động nhưng theo kế hoạch ban hành của đơn vị đã thể hiện được sự trọng tâm rút án trong những tháng cuối năm gắn với việc thành lập tổ vận động. Đối với các chi cục còn lại, dù chưa thành lập mô hình tổ vận động THADS nhưng cũng lồng ghép mô hình tổ vận động này vào các đợt cao điểm rút án. 

Nhìn nhận thực tế, việc thành lập tổ vận động THADS được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo THADS và sự thống nhất, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Các thành viên tham gia tổ vận động đa số là người có chức vụ, uy tín tại địa phương mà đại diện là lãnh đạo các đoàn thể nên công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục các đương sự tự nguyện thi hành án rất cao. Tuy nhiên, do mới thành lập nên tổ vận động THADS hoạt động chưa được đồng bộ và sự phối hợp của các thành viên chưa được nhịp nhàng.

Đồng chí Lê Việt Khải nhìn nhận: “Các chi cục THADS chưa có danh sách cụ thể đưa ra vận động đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp và chưa có thông tin kịp thời về nội dung vụ việc, trách nhiệm của người phải thi hành án để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ vận động thực hiện nhiệm vụ. Hơn nữa, đa phần tổ vận động hoạt động kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn cũng như những quy định về lĩnh vực THADS nên đôi lúc việc vận động chưa đúng trọng tâm và thuyết phục được người phải thi hành án. Một vài thành viên tổ vận động vẫn chưa tích cực mà chỉ tham gia hình thức. Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng thi hành án chưa cao và luôn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Khi đoàn công tác đến nhà vận động, giáo dục, thuyết phục thì đương sự cố tình vắng mặt nên tổ vận động không thực hiện tốt nhiệm vụ”.

Cũng theo đồng chí Lê Việt Khải, để mô hình này thực hiện đạt hiệu quả hơn, các chi cục THADS cần tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo THADS và đề xuất tiếp tục được duy trì tổ vận động THADS. Đồng thời, cần tiến hành rà soát phân loại từng đối tượng cụ thể, như: án hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, tranh chấp đất đai… để đề xuất phân công gắn với chuyên môn lĩnh vực của từng thành viên tổ vận động.

Bên cạnh đó, các chi cục THADS cần phân công cán bộ phụ trách địa bàn để thường xuyên phối hợp với tổ vận động; lập danh sách cụ thể từng vụ việc khó khăn, phức tạp, nội dung, trách nhiệm phải thi hành và thông tin cho thành viên tổ vận động nắm để công tác vận động được thực hiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian. Định kỳ hàng tháng, quý cần đánh giá kết quả thực hiện của tổ vận động và báo cáo đến Trưởng Ban Chỉ đạo THADS địa phương, Cục THADS để theo dõi, kịp thời chỉ đạo khi có khó khăn, vướng mắc. Các đơn vị phải tổ chức cưỡng chế đối với các vụ việc có biểu hiện chống đối để răn đe và tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Đối với tổ vận động cần theo dõi, lập kế hoạch, bố trí lịch công tác từng vụ việc giải quyết hàng tuần gửi đến UBND các xã, phường, thị trấn, thành viên ban chỉ đạo, cơ quan, đơn vị có liên quan để phối hợp vận động, tuyên truyền, giáo dục các đối tượng thi hành án tự nguyện thi hành. Ngoài ra, các chi cục cần xin hỗ trợ kinh phí từ địa phương hoặc tự chủ nguồn kinh phí của đơn vị để có hướng hỗ trợ cho thành viên tổ vận động nhằm tạo động lực góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

S.M

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: