• Pháp luật - Bạn đọc

Chuyên mục nội chính và cải cách tư pháp

Hòa giải áp dụng cho các vụ việc dân sự, đối thoại áp dụng đối với vụ kiện hành chính

19/09/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 19/09/2020 | 06:00

STO - Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (HGĐTTTA) gồm 4 chương, 42 điều; có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2021. Các quy định của luật là một chính sách được thể chế hóa nhằm thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Để hiểu rõ hơn đối với vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Thái Rết - Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh.

Phóng viên: Đồng chí vui lòng cho biết, luật quy định HGĐTTTA là gì?

Đồng chí Thái Rết: Hòa giải tại tòa án là hoạt động hòa giải do hòa giải viên tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định (Khoản 2, Điều 2 Luật HGĐTTTA). Trong khi đó, đối thoại tại tòa án là hoạt động đối thoại do hòa giải viên tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính (Khoản 3, Điều 2 Luật HGĐTTTA). Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự; tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành, đối thoại thành. Như vậy, có thể thấy, hòa giải áp dụng với các vụ việc dân sự; còn đối thoại là hoạt động áp dụng với các vụ kiện hành chính.

Phóng viên: Xin đồng chí nói rõ hơn về nguyên tắc của HGĐTTTA?

Đồng chí Thái Rết: Luật HGĐTTTA quy định các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải tự nguyện hòa giải, đối thoại. Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của luật này.

Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật. Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình. Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại.

Phóng viên: Thưa đồng chí, luật yêu cầu phải giữ bí mật, thông tin gì khi thực hiện HGĐTTTA?

Đồng chí Thái Rết: Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại. Quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp: Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Có phải trường hợp nào liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính đều được HGĐTTTA?

Đồng chí Thái Rết: Theo Điều 19 Luật HGĐTTTA, những trường hợp vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính không tiến hành HGĐTTTA, cụ thể: yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng. Ngoài ra, còn những trường hợp không HGĐTTTA như một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại; một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Trách nhiệm của TAND trong hoạt động HGĐTTTA được quy định như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Thái Rết: Luật quy định, TAND Tối cao có trách nhiệm: tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại; quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và việc sử dụng thẻ hòa giải viên; phối hợp với Chính phủ trong việc trình Quốc hội quyết định kinh phí HGĐTTTA; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí HGĐTTTA theo quy định của pháp luật; kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại; giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định của Chánh án TAND cấp tỉnh về xử lý vi phạm đối với hòa giải viên; báo cáo Quốc hội về hoạt động HGĐTTTA trong báo cáo công tác hàng năm; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của luật này.

TAND tỉnh có trách nhiệm: tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của luật này; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ hòa giải viên; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; khen thưởng, xử lý vi phạm đối với hòa giải viên; chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của hòa giải viên thuộc TAND cấp tỉnh; bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động HGĐTTTA; giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định của Chánh án TAND cấp tỉnh về xử lý vi phạm đối với hòa giải viên; báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Chánh án TAND Tối cao; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của luật này.

Trách nhiệm của TAND cấp huyện: tổ chức thực hiện hoạt động HGĐTTTA theo quy định của luật này; đề nghị TAND cấp tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hòa giải viên; chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của hòa giải viên; hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đề xuất khen thưởng, đề nghị xử lý vi phạm đối với hòa giải viên thuộc TAND cấp huyện; bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động HGĐTTTA; báo cáo về hoạt động HGĐTTTA theo quy định của Chánh án TAND Tối cao; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của luật này.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí.

SỚM MAI

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: