• Pháp luật - Bạn đọc

Khắc phục sai sót, nâng cao chất lượng xét xử

11/06/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 11/06/2018 | 06:00

STO - Thẳng thắn nhìn vào thực tế, mạnh dạn chỉ ra sai sót đã giúp ngành Tòa án có những giải pháp hữu hiệu trong giải quyết án. Từ đó, án bị hủy, sửa giảm đáng kể và chất lượng xét xử ngày càng nâng lên rõ rệt.

Trong 7 tháng đầu năm (tính từ ngày 1-10-2017 đến ngày 30-4-2018), Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp đã thụ lý 4.500 vụ việc các loại (tăng 196 vụ) và đã giải quyết 2.755 vụ việc, đạt trên 61% (tăng 0,6%). Theo đó, giải quyết án hình sự 229 vụ, đạt tỷ lệ trên 78% (tăng 6,5%) và án hành chính đã giải quyết 26 vụ, đạt tỷ lệ trên 49% (tăng 6,8%). Đồng thời, TAND tỉnh còn thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 177 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình của TAND cấp huyện có kháng cáo, kháng nghị và đã giải quyết 130 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 73%. Trong đó, TAND tỉnh phải tiến hành thu thập chứng cứ bổ sung ở giai đoạn phúc thẩm là 23 vụ việc (8 vụ TAND cấp huyện có sai sót do lỗi chủ quan; 15 vụ không có sai sót), chiếm tỷ lệ 13% trên tổng số án đã thụ lý. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2017, đã giảm 10 vụ việc cấp phúc thẩm TAND tỉnh phải thu thập chứng cứ bổ sung; giảm 8 vụ việc cấp sơ thẩm có sai sót. Điều này chứng tỏ, các thẩm phán TAND cấp huyện đã có chuyển biến tích cực trong việc nâng cao kỹ năng thu thập chứng cứ và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

TAND tỉnh khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua 6 tháng đầu năm 2018.

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Thái Rết, các trường hợp có sai sót là do tòa án cấp huyện không thu thập chứng cứ hoặc có thu thập nhưng không đầy đủ, chính xác. Từ đó, TAND tỉnh phải thu thập chứng cứ bổ sung ở giai đoạn phúc thẩm. Nhưng trong xét xử, một số thẩm phán vẫn còn mắc nhiều sai sót trong quá trình thu thập chứng cứ, nhất là khâu xem xét thẩm định tại chỗ (chiếm tỷ lệ gần 88%). Nội dung sai sót chủ yếu khi thẩm định tại chỗ, thẩm phán không chú ý mô tả đầy đủ đặc điểm, hiện trạng, dấu mốc ranh giới khu đất tranh chấp và kích thước, vị trí nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng trên đất.  

Trong một số trường hợp, việc giải quyết vụ án có liên quan đến toàn bộ thửa đất hoặc các thửa đất liền kề nhưng các cấp sơ thẩm chỉ xem xét, thẩm định phần đất tranh chấp làm cho việc giải quyết vụ án không được khách quan. Có trường hợp cơ quan quản lý đất đai cấp nhầm số thửa hay có diễn biến thực tế khác liên quan đến phần đất tranh chấp mà khi xem xét, thẩm định tại chỗ, cấp sơ thẩm không phát hiện ra. Ngoài ra, việc thu thập mẫu so sánh phục vụ giám định chữ ký, chữ viết, dấu vân tay ở giai đoạn sơ thẩm thực hiện không đúng… 

Theo thống kê của TAND tỉnh, trong cùng kỳ, án bị sửa của TAND hai cấp là 37 vụ, chiếm tỷ lệ trên 1,3% (giảm 0,5%) và án bị hủy là 16 vụ, chiếm gần 0,6% (giảm 0,1%). Nhìn khách quan, án bị hủy, sửa một phần do số lượng án thụ lý ngày một tăng, thẩm phán thì không thay đổi. Thậm chí có thời điểm còn thiếu so với biên chế nên gây áp lực cho thẩm phán, khiến chất lượng giải quyết án không đảm bảo. Thêm vào đó, các bộ luật mới ban hành có nhiều thay đổi so với bộ luật cũ nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, giải đáp thắc mắc kịp thời để thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số địa phương còn nhiều sai sót dẫn đến tranh chấp phát sinh ngày càng gay gắt, phức tạp. Một số cơ quan có liên quan chậm hợp tác trong việc cung cấp chứng cứ, trả lời văn bản của tòa án theo quy định khiến tòa án gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ.

Tuy nhiên, cũng mạnh dạn thừa nhận việc án bị hủy, sửa một phần do thẩm phán chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết án, nhất là việc thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ. Một số thẩm phán chưa chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn và không chủ động cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, nắm bắt kịp thời hướng dẫn của tòa án cấp trên… dẫn đến án bị hủy, sửa. 

Đồng chí Thái Rết cho biết: Để khắc phục có hiệu quả các sai sót và nâng cao chất lượng xét xử, tới đây ngành sẽ tập trung tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong đội ngũ thẩm phán, thư ký. Đơn vị sẽ thực hiện chuyên đề về “Kỹ năng xây dựng hồ sơ và kế hoạch giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng”; “Kỹ năng hỏi và xét hỏi tại phiên tòa”. Đặc biệt, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch tăng cường tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời, thường xuyên công tác xét xử cho thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân trong toàn tỉnh. Khi đó, nội dung tập huấn, rút kinh nghiệm sẽ chú trọng đến chất lượng, hiệu quả và sát với thực tế công việc. Làm sao phải đảm bảo cho thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân học hỏi và tiếp thu được các vấn đề trọng tâm để áp dụng trong quá trình giải quyết án, nhất là các vấn đề mà pháp luật quy định chưa rõ ràng, còn nhiều quan điểm nhận thức khác nhau.

Sớm Mai

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: