• Pháp luật - Bạn đọc

Không để cho “tín dụng đen” còn đất sống

13/03/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo điện tử VOV
  • Thứ Tư, 13/03/2019 | 06:00

Với thủ tục cho vay quá dễ dàng nhưng lãi suất “cắt cổ”, nhiều năm qua tín dụng đen đã lây lan rộng khắp đến các vùng miền.

Một hội nghị ngành ngân hàng cấp quốc gia vừa được tổ chức cuối tuần qua tại tỉnh Gia Lai đang được đông đảo người dân hết sức quan tâm và trông chờ, đón đợi. Năm nhóm giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra tại hội nghị này tuy bị coi là chậm chân, nhưng lại được xem như thanh bảo kiếm và những nhát dao sắc có thể chặt đứt “vòi bạch tuộc” tín dụng đen đã và đang tác oai, tác quái và gây ra hậu quả khủng khiếp trên khắp các địa bàn dân cư trong cả nước.

Tang vật thu được từ một băng nhóm hoạt động tín dụng đen được cơ quan công an xử lý tại Lâm Đồng.

Không ai chấp nhận được một đất nước vốn thanh bình, ổn định mà chỉ trong vòng 4 năm nay, có tới hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, có 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp giật, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 165 vụ hủy hoại tài sản và 56 vụ giết người,.. Mới đây nhất, tối ngày 3-3 vừa qua, một con nợ là người nông dân chất phác ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh cũng đã bị 4 người liên quan đến cho vay nặng lãi trên địa bàn ra tay đánh chết.

Bằng những cách thức tiếp thị, lôi kéo, dụ dỗ người vay như phát tờ rơi, dán quảng cáo, sử dụng sim điện thoại rác và mạng xã hội facebook; tín dụng đen - với thủ tục cho vay quá dễ dàng nhưng lãi suất “cắt cổ”- nhiều năm qua đã lây lan rộng khắp đến các vùng miền. Đối tượng sập bẫy không chỉ là sinh viên, công nhân, người nghèo đô thị mà có cả hàng ngàn, hàng vạn nông dân chân lấm tay bùn ở các vùng quê xa xôi và bản làng dân tộc thiểu số.

Với hơn 210 băng nhóm và khoảng 1.600 đối tượng cho vay lãi suất cao ngất ngưởng, có khi lên đến 365%/năm... Cũng như với cách đòi nợ hung tợn bằng dao kiếm và các kiểu gây áp lực, gây hoảng loạn tinh thần… con nợ; hậu quả của tín dụng đen không chỉ làm cho nhiều gia đình tan nát do tự tử, ly hôn, bỏ nhà, bỏ quê đi trốn nợ đòi; làm cho sinh viên, học sinh phải bỏ học vì nợ nần chồng chất mà thực sự đang gây bất an đến cuộc sống cộng đồng và gây bất ổn về trật tự an toàn xã hội.

Tại TP.HCM, một trong những mảnh đất màu mỡ nhất và cũng là điểm nóng nhất về tín dụng đen, riêng năm ngoái, hàng trăm vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen đã bị công an phát giác. 60 nhóm cho vay nặng lãi có tổ chức, với hơn 320 đối tượng vi phạm hoạt động tín dụng trái pháp luật trên địa bàn TP đã bị xử lý, bỏ tù. Nhưng, con số đó cũng chỉ là như “muối bỏ bể”, do tín dụng đen vẫn còn tồn tại vì còn đất sống và sống khỏe; bởi nhu cầu vay tiền mau lẹ, đột xuất của người dân trên địa bàn để sản xuất, tiêu dùng còn rất lớn, có thực, chính đáng và bức thiết.

Bởi vậy, các giải pháp trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra được coi là có tính khả thi để góp phần hạn chế vấn nạn tín dụng đen đang hoành hành dữ dội. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, có hai nhóm đối tượng thường tìm đến nguồn vốn tín dụng này. Đó là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá… Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cần tiền cấp bách nhưng do chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên buộc họ phải vay tiền trong xã hội.

Do vậy, ngoài việc đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội của các ngành chức năng; sau hội nghị này, ngành ngân hàng sẽ triển khai ngay các chương trình tín dụng mang tính đột phá cả về cơ chế quản lý, hạn mức vay và lãi suất cho vay đối với nhu cầu vay sản xuất, tiêu dùng. Trong đó, nút thắt quan trọng nhất là có cơ chế ràng buộc và khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cải tiến các thủ tục cho vay một cách đơn giản nhất, thuận tiện nhất cho người dân tiếp cận vốn dễ dàng. Mức lãi suất lần này cũng thấp hơn rất nhiều so với mức người dân đang vay tín dụng đen vì không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận ở những khoản vay này mà trọng tâm là đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi thông tư về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này như quy định về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn, tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động… Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt là sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt.

Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại ở TP HCM và các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất là hầu hết công nhân làm việc tại đây có nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn. Nhưng họ lại rất khó tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng thương mại do đối tượng khách hàng này có thu nhập thấp, công việc không ổn định. Trong khi, phần lớn công nhân là người lao động từ các địa phương khác di cư đến làm công ăn lương nên khó xác định yếu tố pháp lý.

Bởi vậy, ngành ngân hàng cũng cần một cơ chế cho vay linh hoạt cho các đối tượng này. Ví dụ như chỉ cần có sự xác nhận của công ty nơi họ làm việc để khi có nhu cầu vay vốn mang tính bức thiết, đột xuất, chính đáng trong sinh hoạt, tiêu dùng hay chữa bệnh, đóng tiền học cho con… thì họ có ngay chỗ dựa, không tìm đến tín dụng đen. Và như vậy, tín dụng đen sẽ dần dần không còn đất sống.

Sông Thao/VOV.VN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: