• Pháp luật - Bạn đọc

KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH

Không hiểu vì sao tôi lại tháo vàng, đưa tiền cho người lạ!

21/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 21/10/2018 | 06:00

STO - Đó là lời của bị hại tại phiên tòa sơ thẩm hình sự vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa được Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử công khai, khiến người dự khán không khỏi ngạc nhiên. Đây là vụ việc từng có khá nhiều lời bàn tán, không ít người cho rằng nạn nhân bị “bỏ bùa”…

Bị cáo Đinh Thị Tâm, sinh năm 1963, ngụ Khóm 2, Phường 5 (TP. Sóc Trăng) làm nghề mua bán, sở hữu một gương mặt khá xinh. Nhờ vậy đã giúp Tâm có những cú lừa "ngoạn mục", góp phần tạo nên lý lịch “khủng” về tiền án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo lý lịch được công bố, vào năm 1980 và năm 1984, Tâm có hành vi trộm cắp tài sản của công dân nên bị Công an TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang (cũ) đưa tập trung cải tạo dài hạn. Năm 1989, Tâm bị Tòa án TP. Cần Thơ (Cần Thơ) tuyên xử 41 tháng 25 ngày tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Năm 1993, bị Tòa án TP. Cần Thơ (Cần Thơ) tuyên 2 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Năm 1997, Tòa án nhân dân tỉnh Cần Thơ tuyên xử Tâm 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Năm 2007, bị Tòa án nhân dân TP. Sóc Trăng tuyên 6 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tâm đã chấp hành xong hình phạt vào năm 2012. Thế nhưng mãn hạn tù chỉ được mấy năm, Tâm lại tiếp tục có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lạ ở chỗ, Tâm chỉ nói vài câu mà đã lừa được tài sản của người khác?!

Bị cáo Đinh Thị Tâm tại tòa.

“Bị cáo làm thế nào mà các bị hại lại tự nguyện tháo vàng, đưa tiền cho mình. Trong dân gian cho rằng, bị cáo "bỏ bùa" hay dùng thuốc mê, có không?” - Câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa cũng chính là điều mà nhiều người dự khán thắc mắc muốn biết. Nhưng theo Tâm, bị cáo không dùng bùa ngải, thuốc mê hay đe dọa và cũng không có kế hoạch chuẩn bị từ trước. Khi gặp “con mồi”, Tâm chỉ tùy cơ ứng biến và dùng những lời ngon ngọt để lừa gạt. Trong các phi vụ vừa qua, Tâm nhắm tới đối tượng là những người phụ nữ lớn tuổi, có mang vàng. 

Vào giữa tháng 1-2018, Tâm chạy xe môtô trên đường thì phát hiện bà T (74 tuổi) có đeo đôi bông tai vàng 24K. Tâm liền tiếp cận làm quen và nói dối mình là cán bộ xã, có Việt kiều muốn cho quà, tiền người già ăn tết (dịp Tết Nguyên đán). Nghe vậy, bà T đồng ý lên xe cho "cô cán bộ tốt bụng" chở đi. Đến đoạn vắng người, Tâm kêu bà T tháo vàng đưa cho mình. Lý do, nếu người ta nhìn thấy đeo vàng sẽ không cho tiền ăn tết và bà T đã nghe theo. Sau đó, Tâm chở “con mồi” đi một đoạn thì dừng xe lại, chỉ vào nhà người dân nào đó và kêu bà T vào nhận tiền; Tâm thì vội “cao chạy xa bay”.

Cũng với vai trò người tốt bụng, vào tháng 3-2018, Tâm đã lừa bà L (82 tuổi) tự nguyện tháo vòng tay, dây chuyền và móc tiền đưa cho mình. Tâm hứa sẽ làm chiếc vòng, dây chuyền mới lớn hơn và yêu cầu bị hại tháo nữ trang đưa làm kích cỡ, rồi kêu bị hại ngồi chờ, bị cáo thì nhanh chân tẩu thoát. Dù có khôn khéo hay tinh vi cỡ nào thì mọi hành vi gian dối trước sau gì cũng bị “phơi bày”. Giữa tháng 4-2018, Tâm đã bị người nhà của bà A (88 tuổi) phát hiện khi đang thực hiện hành vi của "người nữ cán bộ xã tốt bụng" như trên. Sau đó, gia đình bà A đã lấy lại tài sản và trình báo với công an. Thế là, bị cáo tiếp tục lãnh án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa, một trong những bị hại chia sẻ: “Tôi và cô ấy không quen biết hay bà con thân thuộc. Tôi không biết vì sao mình để cho người lạ lấy tài sản. Trong khi, con cháu ở nhà kêu đưa còn không được, vì tài sản này tôi để dưỡng già”.

Thường nhắm vào người lớn tuổi với lý do hay quên, tâm lý hảo ngọt, dễ tin người và khả năng cảnh giác không cao. Nhưng đã nhiều lần ngồi tù về tội chiếm đoạt tài sản, chẳng lẽ không đủ để răn đe đối với bị cáo? Nghe câu hỏi của chủ tọa, bị cáo bật khóc: “Lần này bị cáo sợ thật rồi. Lúc còn trẻ không biết sợ, giờ lớn tuổi đã biết sợ. Chỉ tại gia đình quá khó khăn nên bị cáo mới làm vậy”. Theo lời của Tâm, số tiền lừa đảo chiếm được thời gian qua là để chữa bệnh cho anh trai và mẹ. Người anh bị bệnh mà Tâm chăm sóc cũng đã mất để lại khoản nợ (bị cáo mượn chữa bệnh cho anh). Hiện mẹ già bị bệnh đang được em gái lo cơm nước, Tâm phải kiếm tiền lo thuốc thang. Không những vậy, chồng của Tâm cũng đang bị bệnh hiểm nghèo, con trai vừa mất… Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải gặp hoàn cảnh khó khăn mà có quyền lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Dù rất giận vì bị lừa lấy tài sản nhưng nghe qua gia cảnh khốn khổ của Tâm, những người bị hại cảm thấy mủi lòng, thương cảm. Phía các bị hại yêu cầu hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội để Tâm sớm về lo cho gia đình. Chính từ những tấm lòng vị tha cùng bản án 5 năm tù có lẽ đủ sức thức tỉnh và răn đe đối với người từng có nhiều tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo khóc nhiều và xin lỗi về những gì mình đã làm. Phiên tòa kết thúc nhưng câu chuyện về “người nữ cán bộ tốt bụng” sẽ là bài học đắt giá trong cuộc sống. 

C.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: