• Pháp luật - Bạn đọc

Kiên quyết cưỡng chế những trường hợp có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành

29/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 29/11/2018 | 06:00

STO - Phương châm hàng đầu của ngành Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh là tuyên truyền, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Nhưng vì sao trong năm qua, số lượng quyết định cưỡng chế được cơ quan THADS hai cấp ban hành lại gia tăng? Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Nguyên - Cục trưởng Cục THADS.

Phóng viên: Xin ông vui lòng cho biết việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trong THADS năm 2018?

Ông Lê Trọng Nguyên: Trong năm 2018 (tính từ ngày 1-10-2017 đến ngày 30-9-2018), cơ quan THADS hai cấp đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 246 trường hợp, tăng 96 trường hợp so với năm 2017. Nhưng có 8 trường hợp do đương sự tự nguyện thi hành án và 10 trường hợp đã ra quyết định nhưng chưa tiến hành cưỡng chế, nên thực tế số việc phải tổ chức cưỡng chế là 228 trường hợp (tăng 86 trường hợp). Trong đó, có 192 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành, tăng 78 trường hợp so với cùng kỳ.

Phóng viên: Việc gia tăng số lượng áp dụng biện pháp cưỡng chế trong THADS liệu có đi ngược với phương châm của đơn vị đã đề ra không, thưa ông?

Ông Lê Trọng Nguyên: Trong THADS, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là phương pháp đầu tiên và hiệu quả nhất. Việc vận động thành công không chỉ mang lại lợi ích cho người được thi hành án mà người phải thi hành án cũng giảm bớt những chi phí phát sinh. Bởi nếu phải dùng đến biện pháp cưỡng chế thì người bị thi hành án phải chịu toàn bộ các chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế. Không những vậy, việc đương sự tự nguyện thi hành án còn giúp cơ quan THADS hoàn thành công việc thuận lợi, nhanh chóng, tránh khỏi những gánh nặng về thời gian, công sức, kinh phí và áp lực công việc. Về mặt xã hội, thuyết phục, vận động được đương sự tự nguyện thi hành án sẽ loại trừ được khả năng xảy ra chống đối, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội địa phương. Do đó, cơ quan THADS hai cấp luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đến “giây phút cuối cùng”.

Việc gia tăng số lượng áp dụng biện pháp cưỡng chế là do tổng lượng án thụ lý trong năm gia tăng trên 8% và lượng án có điều kiện đã thi hành xong cũng tăng 6% so với cùng kỳ. Mặc dù số lượng cưỡng chế tăng nhưng chỉ chiếm gần 0,027% án có điều kiện thi hành đã giải quyết xong. Mặc dù luôn đề cao công tác vận động, thuyết phục nhưng cơ quan THADS hai cấp cũng kiên quyết cưỡng chế đối với những trường hợp có điều kiện thi hành án mà cố tình không tự nguyện thi hành, chống đối.

Phóng viên: Cơ quan THADS hai cấp có tạo được sự đồng tình, ủng hộ của các đơn vị, cơ quan có liên quan cũng như quần chúng nhân dân trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế?

Ông Lê Trọng Nguyên: Thời gian qua, cơ quan THADS nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát từ cấp ủy và sự phối hợp chặt chẽ của UBND các cấp cùng các đơn vị có liên quan trong từng khâu công tác. Phải nói rằng, sự thành công của ngành THADS có sự đóng góp lớn từ nhiều cá nhân, đơn vị có liên quan; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của ban chỉ đạo THADS hai cấp. Trong năm 2018, ban chỉ đạo THADS hai cấp đã tiến hành họp 9 cuộc và đưa ra ý kiến chỉ đạo kịp thời đối với 20 vụ phức tạp, kéo dài. Các vụ việc trước khi đưa ra cưỡng chế đều được Ban chỉ đạo THADS đưa ra bàn bạc nhiều lần nhằm tìm giải pháp hiệu quả nhất và sau khi xem xét tận tường, các thành viên ban chỉ đạo mới thống nhất thành lập đoàn cưỡng chế. Các trường hợp cưỡng chế đều nhận được sự đồng tình của người dân địa phương. Song song đó, cơ quan THADS cũng phải phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể không ngừng vận động, thuyết phục đương sự. Nhờ đó, có 18 trường hợp đã có kế hoạch cưỡng chế nhưng đương sự hợp tác, tự nguyện chấp hành.

Phóng viên: Tới đây, ông vẫn giữ quan điểm kiên quyết việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình chống đối, không tự nguyện thi hành án?

Ông Lê Trọng Nguyên: Như đã nói, phương châm hàng đầu của ngành THADS là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Thực tế, công tác vận động, thuyết phục trong THADS không phải là việc dễ dàng. Bởi việc tổ chức thi hành án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người phải thi hành án. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án còn hạn chế, nhất là người phải thi hành án. Nhiều đương sự, khi được cơ quan THADS giải thích, vận động thì tỏ ra thiếu tôn trọng, không hợp tác; có trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, khiếu nại vượt cấp, nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án. Để đảm bảo bản án, quyết định của tòa án được thực thi, cơ quan THADS hai cấp kiên quyết cưỡng chế những trường hợp đó. Cụ thể, cuối tháng 11, Cục THADS tổ chức cưỡng chế giao quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Chiều (Châu Thành). Đây là vụ tranh chấp trong thân tộc và cũng là 1 trong 3 vụ việc được Ban Chỉ đạo THADS tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. 

Thực tế, để giải quyết xong hoàn toàn một việc, cơ quan THADS phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau như từ việc thông báo, tống đạt các giấy tờ, quyết định thi hành án, đến việc xác minh điều kiện nhân thân, tài sản của các đương sự và áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án. Chỉ một trong các khâu phối hợp thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thi hành án, cũng như tiến độ giải quyết thi hành án. Do vậy, cơ quan THADS rất cần sự phối hợp có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, các tổ chức đoàn thể trong toàn bộ hệ thống chính trị để công tác THADS đem lại hiệu quả cao hơn nữa, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ và sự mong đợi của toàn xã hội.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!

Sớm Mai

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: