• Pháp luật - Bạn đọc

Xuất khẩu lao động - những vấn đề cần quan tâm

Kỳ 2: Thực trạng công tác xuất khẩu lao động trong tỉnh và các chính sách liên quan

13/09/2017 06:36 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 13/09/2017 | 06:36

STO - Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Thông qua công tác này, nhằm tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này tại tỉnh đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đáng chú ý là nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với XKLĐ.

Ông Lê Hoàng Điện - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB - XH) đánh giá: “Giải quyết việc làm cho người lao động mà cụ thể là XKLĐ là yếu tố quyết định để phát huy nguồn lực, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân. Vì vậy, những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề giải quyết việc làm và XKLĐ, nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội có việc làm, tăng thu nhập”.

Đẩy mạnh công tác tư vấn XKLĐ của tỉnh.

Để thúc đẩy công tác XKLĐ đạt hiệu quả ngày càng cao, Trung ương và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia XKLĐ, trong đó, có Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 9-7-2015 quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Bộ LĐ - TB - XH ban hành Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 11-11-2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, người lao động thuộc nhóm đối tượng chính sách, như: hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp… được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, mức vay bằng 100% chi phí theo thị trường (nếu vay trên 50 triệu đồng/người thì phải thế chấp bằng tài sản).

Bên cạnh đó, Bộ LĐ - TB - XH, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 15-6-2016 hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, người lao động khi tham gia XKLĐ được hỗ trợ một khoản chi phí ban đầu, như: chi phí học nghề, học ngoại ngữ cần thiết, chi phí khám sức khỏe ban đầu, lệ phí làm hộ chiếu, lý lịch tư pháp, lệ phí visa... theo quy định. Đối với tỉnh, người lao động sau khi xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được ngân sách tỉnh hỗ trợ một khoản chi phí: 800.000đ/người đối với các nhóm đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, dân tộc thiểu số; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 500.000đ/người.

Nhiều năm qua, Ban Chỉ đạo XKLĐ tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cùng các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đã quan tâm thực hiện việc tuyên truyền cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đến tận người dân, nhất là độ tuổi thanh niên ở các địa bàn trong tỉnh. Kết quả, chỉ tính riêng 5 năm qua (từ năm 2013 đến nay), tỉnh Sóc Trăng đã đưa được 1.700 lao động đi XKLĐ. Trong đó, tập trung nhiều nhất là thị trường Malaysia (chiếm 66,76%); kế đến là Đài Loan - Trung Quốc (chiếm 23,43%); thị trường Nhật Bản (chiếm 13,93%). Riêng thị trường Lào được triển khai thực hiện tại huyện Thạnh Trị và TX. Vĩnh Châu từ năm 2015 đến nay đã đưa được 218 lao động sang làm việc. Kết quả thăm dò, thu nhập trung bình (có làm thêm giờ) ở một số thị trường các nước, như sau: Malaysia khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng; Lào khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng; Ả Rập khoảng 9 - 12 triệu đồng/tháng; Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 13 - 15 triệu đồng/tháng; Nhật Bản, Hàn Quốc khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, phần lớn lao động đi XKLĐ có việc làm, thu nhập khá, nhất là những thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Người lao động có thể tích lũy giúp gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa khang trang; đồng thời, đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, người lao động còn được tiếp cận với sản xuất công nghiệp khoa học tiên tiến, làm việc theo tác phong công nghiệp, đây là môi trường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho lao động tỉnh nhà…

Tuy nhiên, công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Ông Lê Hoàng Điện thẳng thắn nhìn nhận: "Một số địa phương trong tỉnh, công tác XKLĐ chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thường xuyên; việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ; một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, không tạo được uy tín, gây mất lòng tin với người lao động. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động trình độ văn hóa thấp nên gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ; đa số lao động chưa được đào tạo tay nghề thích hợp với môi trường công nghiệp; ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành luật pháp kém, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật nước sở tại buộc về nước trước thời hạn, làm ảnh hưởng đến phong trào XKLĐ. Mặt khác, chi phí tham gia thị trường cao cấp rất cao, người lao động không đủ điều kiện về yêu cầu chi phí để tham gia. Đối với mức vay vốn trên 50 triệu đồng, người lao động phải thế chấp tài sản, nhưng họ lại không có tài sản để thế chấp. Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc lớn làm ảnh hưởng đến công tác XKLĐ chung của tỉnh trong thời gian qua, nhất là chỉ tiêu XKLĐ có những năm không đạt kế hoạch đề ra (cụ thể, năm 2013 chỉ có 195/350 người tham gia XKLĐ; năm 2014 là 345/400; năm 2015 là 415/400; năm 2016 có 402/400 và 9 tháng đầu năm chỉ mới 343/450 người tham gia XKLĐ).

Từ những đánh giá trên, có thể thấy công tác XKLĐ đang là vấn đề đáng quan tâm. Bởi chính những khó khăn đó, đã tạo kẽ hở cho những đối tượng có hành vi “núp bóng” và thậm chí là lừa đảo người dân trong việc lôi kéo, vận động xuất cảnh lao động. Cụ thể, thời gian gần đây đã có hơn 100 người ở các huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Tú… đã bị sập bẫy, với số tiền không hề nhỏ so với những người lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, bà con chia sẻ rằng, phần ít được tiếp cận với việc tuyên truyền về công tác XKLĐ, phần nghe nói thủ tục tham gia lại quá rườm rà nên ngại. Anh Triệu Sươl, một nông dân ở xã Đại Ân 2 (Trần Đề) bị lừa mất 3.000 USD trong vụ xuất cảnh sang Mỹ lao động, thật thà cho biết: “Lúc đầu họ tới thuyết phục rằng thủ tục để đi Mỹ làm việc dễ dàng lắm, không rườm rà như của Nhà nước, cũng không cần phỏng vấn gì cả. Vợ chồng tôi thấy vậy nên mới đi vay mượn đủ 3.000 USD nộp cho họ. Cũng may, tại kiếm không đủ tiền, chứ họ nói làm thủ tục cho con mình đi được luôn, trẻ em thì giá 2.000 USD. Giờ tiền mất mà không đi được, phải lo làm mướn, làm thuê để trả nợ đã vay. Đây là bài học nhớ đời của tụi tui”.

Thiết nghĩ, để công tác XKLĐ được đến gần dân hơn, cần đẩy mạnh và sâu sát hơn nữa việc tuyên truyền, giới thiệu các hình thức tham gia. Trong đó, tăng cường công tác tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, nhằm cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường lao động và thị trường XKLĐ, làm sao để người dân hiểu và nhận thức được lợi ích của công tác XKLĐ và tìm đến những địa chỉ, đơn vị nào đáng tin cậy.

Theo Giám đốc Sở LĐ - TB - XH Lê Hoàng Điện, người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ nên chọn một trong các hình thức sau: Thứ nhất, thông qua Chương trình hợp tác của Chính phủ Việt Nam với nước ngoài, thị trường chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc (tại Sóc Trăng do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện). Thứ hai, qua công ty môi giới hoạt động XKLĐ (được Bộ LĐ - TB - XH cấp giấy phép), các công ty này muốn đến địa phương để tuyển chọn lao động đi XKLĐ phải thông qua Sở LĐ - TB - XH thẩm định hồ sơ pháp lý, nếu đủ điều kiện được sở giới thiệu (bằng văn bản) về địa phương phối hợp tuyển lao động. Thứ ba, qua công ty của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (như Công ty Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào) tuyển lao động đưa sang Lào làm việc, thị trường này đang được huyện Thạnh Trị và TX. Vĩnh Châu thực hiện. Thứ tư, đi theo hình thức hợp đồng cá nhân; đối với trường hợp sau khi có đầy đủ hồ sơ cần thiết, như: Hợp đồng làm việc với chủ sử dụng lao động ở nước ngoài; văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý lao động ở nước ngoài cho phép tuyển lao động Việt Nam… người lao động đến Sở LĐ - TB - XH đăng ký và không phải tốn bất cứ khoản chi phí nào.

 

Mai Khôi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: