• Pháp luật - Bạn đọc

Làm sao để việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đạt hiệu quả?

08/10/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 08/10/2019 | 06:00

STO - Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (THADS) là một trong những biện pháp hữu hiệu, thiết thực giúp chấp hành viên giải quyết vụ việc được nhanh chóng, kịp thời, ngăn chặn hành vi trốn tránh, tẩu tán, hủy hoại tài sản đối với người phải thi hành án. Nhưng thực tế, việc áp dụng biện pháp bảo đảm không nhiều?

Theo Điều 66 Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định, về 3 biện pháp bảo đảm thi hành án gồm: phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. Cùng các văn bản hướng dẫn có liên quan đã giúp cơ quan THADS và chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án, đảm bảo các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực được thi hành một cách triệt để, hiệu quả. Nhưng theo thống kê của Cục THADS, từ năm 2017 đến nay, THADS hai cấp chỉ áp dụng biện đảm bảo thi hành án là 90 việc với số tiền tương ứng gần 80 tỉ đồng và chủ yếu là tạm dừng đăng ký, chuyển dịch tài sản. Việc áp dụng biện pháp đảm bảo không nhiều, do chấp hành viên gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Cục THADS niêm yết công khai, kịp thời các quy định liên quan. Ảnh: C.H

Đối với việc áp dụng phong tỏa tài khoản thì việc xác định người phải thi hành án có mở tài khoản tại ngân hàng là không đơn giản. Vì người phải thi hành án thường ít hợp tác cung cấp các thông tin về tài sản, tài khoản tại ngân hàng. Qua động viên, thuyết phục, nếu họ cố tình tránh né, không hợp tác thì việc xác định họ có mở tài khoản tại ngân hàng hay không là việc khó khăn mà chấp hành viên thường gặp. Tuy pháp luật có quy định cụ thể nhưng các cơ quan, tổ chức khi nhận được văn bản của cơ quan THADS đề nghị cung cấp thông tin về số tài khoản của người phải thi hành án mở tại ngân hàng, thường thì họ chậm trả lời hoặc có trường hợp không trả lời. Mặt khác, khi chấp hành viên có được thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án nhưng đương sự có trách nhiệm thi hành nhiều nghĩa vụ khác do các chấp hành viên khác thụ lý. Vấn đề này chưa được quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể nên hiện tại còn nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện.

Cơ quan THADS cũng đang gặp vướng mắc trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ như: về việc trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan; đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; việc ra quyết định, lập biên bản và giao biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; thời gian tạm giữ giấy tờ của đương sự. Riêng đối với việc tạm dừng đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản thực tế vẫn chưa được thực hiện chính xác. Bởi một số trường hợp chấp hành viên không ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm mà thực hiện dưới dạng công văn, vì sợ trách nhiệm nên thường dẫn đến khiếu nại. Trường hợp ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm nhưng lại gửi không đầy đủ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, thực tế vẫn có trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không đúng đối tượng; vì người thi hành án đã chuyển nhượng, chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành án. Hay có trường hợp không tiến hành giải quyết đối với tài sản đã áp dụng biện pháp bảo đảm… Đó là những vấn đề mà ngành THADS cần quan tâm giải quyết.

Đồng chí Bùi Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục THADS cho biết: Đơn vị sẽ quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của chấp hành viên thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, kiểm tra hoạt động tổ chức thi hành án. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, hướng dẫn địa phương xây dựng chương trình công tác, tổ chức học tập, kiểm tra, rút kinh nghiệm. Tập trung quán triệt đồng bộ những nội dung cơ bản của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn có liên quan để các chấp hành viên, cán bộ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành, nhất là về trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm THADS.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp liên ngành hỗ trợ chấp hành viên trong việc áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ. Sự phối hợp của cơ quan, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên khi tổ chức thi hành. Trường hợp chấp hành viên không giữ được tài sản, vì đương sự có hành vi chống đối quyết liệt và sự phối hợp của cơ quan công an, cơ quan ban ngành không đủ mạnh thì việc phối hợp của cơ quan công an trong những trường hợp này phải nhanh chóng, linh hoạt mới đảm bảo cho việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đạt kết quả.

Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án về tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản thì chấp hành viên phải ban hành quyết định theo quy định Luật THADS. Sau khi ban hành quyết định, chấp hành viên phải xác định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc và gửi ngay quyết định để họ biết mà phối hợp. Cơ quan THADS cũng thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp và chỉ đạo chấp hành viên khi áp dụng các biện pháp bảo đảm hay biện pháp cưỡng chế thi hành án thì gửi đến Sở Tư pháp để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực cũng như các lĩnh vực công tác khác.

Đối với trường hợp khi tổ chức thi hành án mà phát hiện hoặc xác định tài sản đã chuyển nhượng cho người khác và đã được cơ quan nhà nước công nhận thì chấp hành viên sẽ thực hiện thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Sau khi ban hành quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản thì chấp hành viên phải thực hiện ngay tác nghiệp tiếp theo. Còn khi xác định rõ tài sản của người phải thi hành án thì áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế; trường hợp tài sản không phải của người phải thi hành án thì ban hành quyết định chấm dứt việc tạm dừng theo quy định.

C.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: