• Pháp luật - Bạn đọc

Lắng nghe để thấu hiểu

15/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 15/02/2021 | 06:00

STO - Xuân đến, vạn vật như trở nên lung linh hơn, tươi đẹp hơn để chờ đón khoảnh khắc giao thừa cuối năm. Đây cũng là dịp mỗi người có thời gian chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc sống, công việc, bản thân để yêu thương, thấu hiểu và thắp lên những dự định cho năm mới.

Trách nhiệm cao, công việc hiệu quả

Trong cuộc sống, người ta vẫn hay nhắn nhủ nhau: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quý của nghề nghiệp”. Điều đó thật đúng với trường hợp của anh Lý Chân - Viện trưởng VKSND huyện Thạnh Trị. Bởi mọi người quý trọng anh, không phải vì anh giữ vai trò thủ trưởng mà là ở vị trí đó anh đã có nhiều đóng góp cho đơn vị và địa phương nơi công tác.

VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Có thể hiểu nôm na, kiểm sát là hoạt động “chỉ ra cái sai sót của các cơ quan tư pháp và yêu cầu các cơ quan này phải khắc phục”. Như vậy, hoạt động này rất dễ “đụng chạm” và mất lòng nhau. Thế mà, anh Chân luôn tạo được sự hài hòa và mối quan hệ phối hợp chặt chẽ không chỉ đối với các cơ quan tư pháp mà cả đơn vị, chính quyền địa phương. “Kiểm sát hoạt động tư pháp là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao cho chúng tôi. Do đó, tôi phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan tư pháp để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Trong quá trình thực thi công vụ, các đơn vị sẽ không tránh được những thiếu sót và kiểm sát thực chất là giúp các cơ quan tư pháp nhìn thấy được những thiếu sót, vi phạm của mình để khắc phục kịp thời, nâng cao hiệu quả công tác” - anh Chân chia sẻ.

Trong thi hành công vụ, anh Chân luôn có sự cảm thông trước khó khăn, vất vả của cơ quan bạn và chân tình, trao đổi để bạn thấu hiểu việc của mình nên các kiến nghị của VKSND huyện Thạnh Trị luôn có sự thống nhất cao. Tất cả vì công việc chung, trên cơ sở quy định của pháp luật, không để tồn tại tư tưởng “quyền anh, quyền tôi”. Thực tế, chỉ cần ta làm việc bằng cái tâm sáng và tinh thần trách nhiệm cao thì ắt công việc sẽ đạt được kết quả như mong muốn. Ở Thạnh Trị, các cơ quan tư pháp thường xuyên cùng ngồi lại với nhau để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng vụ án và cả quá trình tố tụng. Bởi họ biết rằng, phối hợp chặt chẽ sẽ giúp cho mỗi đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị ở địa phương.

Lời nói đi đôi với hành động

Để hiểu được người khác là điều không hề đơn giản, vị lãnh đạo 8X Nguyễn Hoàng Lâm - Chánh án TAND huyện Mỹ Tú đã 16 năm gắn bó với nghề và từng đón nhận nhiều danh hiệu cao quý từ địa phương đến Trung ương mà vẫn canh cánh học cách thấu hiểu. Bởi sự đời, chẳng ai hạnh phúc, vui sướng gì khi tìm đến tòa án. Hầu như tất cả đều chứa đựng những khúc mắc, nỗi niềm riêng mà người ngoài khó ai thấu hiểu và nhiệm vụ của người thẩm phán là phải tìm ra “sự thật” ẩn đằng sau từng vụ việc.

Quãng thời gian công tác, anh Lâm đã dành nhiều thời gian để tiếp xúc, học cách xác minh, thu thập chứng cứ “chuẩn” đến cách xét xử và cả sự “đối nhân xử thế”. Nhờ vậy, hàng trăm vụ án đưa ra xét xử, mỗi bản án, tình tiết sự việc luôn được anh xem xét, cân nhắc xử lý hợp tình, hợp lý. Nhưng hiện nay, nghề thẩm phán có nhiều rủi ro, áp lực cao, khối lượng công việc nhiều, con người có giới hạn, hoạt động tố tụng thì mở rộng; rồi chỉ tiêu đang đè nặng trên vai... Ấy vậy mà tập thể cán bộ, thẩm phán TAND huyện Mỹ Tú vẫn đoàn kết “một lòng” với công việc, nhiều năm liền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Là người quản lý, tôi phải có trách nhiệm tìm hiểu, nắm bắt tâm tư và hiểu rõ năng lực, sở trường của nhân viên để có sự phân công phù hợp. Bản thân tôi phải có trách nhiệm gần gũi, động viên, chia sẻ, thấu hiểu và giúp tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nói đúng hơn, giúp nhân viên làm tốt nhiệm vụ là tôi giúp bản thân mình hoàn thành tốt nhiệm vụ” - anh Lâm chia sẻ.

Nghĩ vậy, anh Lâm đã tạo một môi trường làm việc thuận lợi nhất từ vật chất đến tinh thần cho nhân viên của mình (trong khả năng cho phép) và gương mẫu đi đầu trong mọi việc. Quan trọng, không bao giờ gây áp lực hay tăng sự mệt mỏi cho nhân viên mà luôn đồng hành cùng nhau tháo gỡ, thậm chí có thể làm thay việc cho họ trong trường hợp cần thiết. Do vậy, giữa lãnh đạo, cán bộ, thẩm phán, thư ký, nhân viên của TAND huyện Mỹ Tú không hề có khoảng cách mà luôn thắt chặt, đoàn kết, một lòng cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chung.

Trao yêu thương sẽ nhận được yêu thương

Đôi khi “Chỉ cần ta biết mở lòng, lấy chân tình đối đãi cùng nhau thì niềm vui sẽ đến và phiền muộn sẽ tự tan đi”. Đó chính là quan niệm sống của chị Thái Thị Hồng Cẩm - Tổ trưởng Tổ một cửa tại Cục Thi hành án dân sự. Do đó, dù công việc có bộn bề hay người dân đến liên hệ công tác có những lời nặng nhẹ, to tiếng thì chị cũng mỉm cười. “Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng trong quá trình tố tụng, tức là các đương sự phải đeo đuổi vụ việc của mình một khoảng thời gian khá dài nên khi có bản án, quyết định của tòa án thì tâm trạng nôn nóng và muốn được thi hành ngay lập tức cũng là điều dễ hiểu. Trường hợp người dân không hiểu rõ những quy định, trình tự thủ tục nên đôi khi có thái độ khó chịu là điều dễ cảm thông và nhiệm vụ của tôi là phải hướng dẫn, giải thích tận tường” - chị Cẩm cho biết.

Tổ một cửa là nơi thụ lý thi hành án; tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận, đăng ký văn bản đến; trình, chuyển giao văn bản đến; giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết văn bản đến; kiểm tra thể thức, hình thức và kỹ thuật trình bày văn bản đi; làm thủ tục, chuyển phát và theo dõi việc chuyển phát văn bản đi; lưu văn bản đi... Như vậy, từ việc tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ đến trả lại kết quả chỉ thông qua một đầu mối là tổ một cửa và bình quân, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 vụ việc các loại. Với lượng công việc trên, người cán bộ một cửa phải “đầu tắt mặt tối” thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. Theo chị Cẩm, bản thân không vướng bận nhiều về gia đình nên có thể đi sớm hơn một chút, về trễ một chút và làm thêm một chút vào giờ nghỉ trưa thì công việc sẽ đảm bảo tiến độ. Bởi tổ một cửa gắn kết từ nhiều phía, nếu để chậm trễ hoặc sai sót sẽ ảnh hưởng trước hết là quyền lợi của người dân, rồi đến cơ quan và kết quả thực hiện của các phòng khác.

Ai mà chẳng có lúc vui, có lúc buồn hay mệt mỏi, vậy mà lúc nào người ta cũng thấy chị Cẩm tươi cười, lạc quan và giữ được phong thái nhã nhặn, vui vẻ khi tiếp xúc với dân. “Có lúc tôi cũng gặp những chuyện không vui nhưng đó là chuyện cá nhân, làm sao có thể làm ảnh hưởng đến công việc chung. Với lại, khi đến các cơ quan khác hoặc thực hiện những giao dịch dân sự, bản thân tôi cũng thích người đối diện vui vẻ với mình thì không lý nào lại tỏ thái độ khó chịu với người khác” - chị Cẩm chia sẻ.

Dù họ ở nhiều ngành nghề và đảm nhận những vị trí công tác khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung là lập trường, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách khách quan, chính xác, toàn diện. Đặc biệt, sự lắng nghe, thấu hiểu đã trở thành chiếc chìa khóa dẫn họ đến sự thành công; tạo sự đồng điệu, yêu mến, kính nể từ mọi người và tôi tin rằng họ sẽ tiếp tục gặp được nhiều may mắn trong năm mới.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: