• Pháp luật - Bạn đọc

Nâng cao trình độ văn hóa pháp lý trong nhân dân từ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

02/06/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 02/06/2020 | 06:00

STO - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) được UBND huyện Trần Đề xác định là một trong những công tác trọng tâm của địa phương. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của công dân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Theo Trưởng Phòng Tư pháp huyện Trần Đề Nguyễn Minh Chanh, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác TTPBGDPL. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ động phối hợp các đơn vị có liên quan để ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện công tác tuyên truyền đạt hiệu quả. Trên cơ sở đó, mỗi năm, toàn huyện đã tổ chức trên 350 cuộc hội nghị TTPBGDPL và tổ chức tuyên truyền lồng ghép hàng ngàn cuộc. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các văn bản luật mới được Quốc hội thông qua và văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền, lợi ích người tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông... Trong đó, các hình thức TTPBGDPL được áp dụng hiệu quả nhất như: tuyên truyền miệng; qua biên soạn, phát hành tài liệu; trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, mô hình sinh hoạt ngày pháp luật; hòa giải cơ sở. Đặc biệt, trên địa bàn chú trọng tuyên truyền đến đối tượng chức sắc, tín đồ tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, hội viên, đoàn viên và các tổ chức đoàn thể.

Buổi tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn huyện Trần Đề. Ảnh: C.H

Để nâng cao chất lượng công tác TTPBGDPL, UBND quan tâm chỉ đạo kiện toàn đội ngũ cán bộ phụ trách. Hiện nay, huyện có 30 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 150 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ. Công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng công tác TTPBGDPL. Trên toàn huyện có 27 tủ sách pháp luật với trên 2.500 đầu sách các loại và xây dựng tủ sách pháp luật ở những nơi thuận tiện để người dân địa phương dễ tiếp cận, nghiên cứu. Ngoài ra, công tác hòa giải cơ sở với tỷ lệ hòa giải thành trên 80%, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.  

Theo chức năng, nhiệm vụ, Phòng Tư pháp huyện Trần Đề còn tham mưu UBND huyện thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; kiểm tra đối với công tác TTPBGDPL. Việc triển khai Ngày pháp luật được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc với hình thức đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả khả quan. Từ đó, nâng cao được hiệu quả của công tác tuyên truyền, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Minh Chanh cho biết, phòng sẽ tích cực tham mưu cho UBND huyện triển khai các văn bản và tăng cường công tác TTPBGDPL, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng TTPBGDPL cho đội ngũ cán bộ phụ trách, giúp họ không chỉ có kiến thức vững vàng mà còn có khả năng truyền đạt thu hút người nghe. Tham mưu tăng cường đầu tư kinh phí trang bị tủ sách pháp luật, nhất là tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa ấp, các điểm chùa, giúp cho việc cập nhật đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, chú trọng vận hành và khai thác tủ sách pháp luật điện tử để giảm thiểu các chi phí cho việc trang bị, quản lý tủ sách pháp luật truyền thống. Đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp TTPBGDPL theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Từ đó, nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở. Bởi đây là hình thức vừa có tác dụng giáo dục hiệu quả vừa có khả năng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Khi tiến hành hòa giải, các tổ hòa giải cơ sở cần phân tích thấu đáo mọi khía cạnh, kiên nhẫn và mềm mỏng dựa trên căn cứ của quy định pháp luật để thuyết phục. Quan trọng, tăng cường công tác TTPBGDPL phải gắn liền với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho nhân dân làm sao để người dân được tham gia tích cực vào hoạt động quản lý xã hội bằng pháp luật.

C.H

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: