• Pháp luật - Bạn đọc

Nghiêm túc thực hiện quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức

06/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 06/09/2019 | 06:00

STO - Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng. Tuy nhiên, để hiểu sâu hơn một số điểm mới mà luật này ban hành, chúng tôi đã trao đổi cùng đồng chí Lê Tấn Đạt – Phó Chánh Thanh tra tỉnh.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Luật PCTN năm 2018 có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng, đồng chí có thể thông tin chi tiết về quy định này như thế nào?

Đồng chí Lê Tấn Đạt: Luật PCTN năm 2018 đã quy định cụ thể hơn về việc tặng quà và tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 1-7-2019 của Chính phủ cũng có quy định thành 1 mục riêng gồm 5 điều để hướng dẫn thực hiện quy định này. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong một số trường hợp cần thiết khác. Và đối với việc “nhận quà tặng” thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Đồng thời, việc xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng cũng được quy định rõ tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, cụ thể là: Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước” (Điều 28 - NĐ 59).

Phóng viên: Thưa đồng chí, nhằm hạn chế, phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc nhũng nhiễu của cán bộ trong thi hành công vụ thì Luật PCTN năm 2018 quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức như thế nào?

Đồng chí Lê Tấn Đạt: Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở kế thừa quy định của Luật PCTN năm 2005 và có chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức; về thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vẫn như quy định trước đây là “từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực”. Đồng thời, để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác này, luật cũng đã quy định: Định kỳ hàng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ.

Và tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP có quy định bổ sung nội dung liên quan được rõ ràng hơn như: Về phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác là cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách; và việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái; phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác. “Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung”. Không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Phóng viên: Sử dụng tiền mặt trong lưu thông sẽ khó có thể kiểm soát tham nhũng, do vậy, để khắc phục điều này, Luật PCTN năm 2018 có quy định về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt, xin đồng chí cho biết các quy định trong luật về nội dung này như thế nào?

Đồng chí Lê Tấn Đạt: Luật PCTN năm 2018 có quy định một số nội dung, nguyên tắc cơ bản và chi tiết hơn so với Luật PCTN năm 2005 trong cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục trực tiếp tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi giải quyết công việc; tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Phải thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi có giá trị lớn tại địa bàn, đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ; các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên. Luật cũng quy định giao Chính phủ áp dụng biện pháp tài chính, công nghệ để giảm việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Mai Khôi (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: