• Pháp luật - Bạn đọc

Người cán bộ làm công tác thanh tra phải chuẩn mực trong ứng xử

29/07/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 29/07/2020 | 06:00

STO - Như lời Bác dạy: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, người cán bộ thanh tra phải có năng lực, kinh nghiệm, uy tín và giàu bản lĩnh thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quan trọng, ngoài phong cách, phương pháp làm việc khoa học, đổi mới, sâu sát và coi trọng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật, đòi hỏi người làm công tác thanh tra phải có những chuẩn mực trong ứng xử. Đồng chí Lê Trọng Nguyên - Chánh Thanh tra tỉnh đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo Sóc Trăng về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, việc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động ngành thanh tra được thể hiện như thế nào trong thực thi công vụ?

Đồng chí Lê Trọng Nguyên: Thời gian qua, thanh tra các cấp đã quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải nghiêm túc thực hiện các quy tắc ứng xử khi thực thi công vụ theo Quyết định số 1860/QĐ-TTCP, ngày 6-9-2007 của Thanh tra Chính phủ về việc ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra; phải luôn tuân thủ và gương mẫu thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ứng xử có văn hóa. Hàng năm, theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, Thanh tra tỉnh thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử trong các cuộc thanh tra hành chính, góp phần chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc cũng như tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Qua kết quả thanh tra cho thấy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước kết quả thực hiện các quy định về văn hóa công vụ. Đặc biệt, nhấn mạnh 4 nội dung của văn hóa công vụ để nâng cao nhận thức về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức lối sống, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện.

Phóng viên: Đồng chí vui lòng cho biết, trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) đòi hỏi quy tắc ứng xử của người cán bộ thanh tra ra sao?

Đồng chí Lê Trọng Nguyên: UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành thanh tra trong thực thi nhiệm vụ phải tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định về quy tắc ứng xử. Theo đó, phải thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra; quy chế hoạt động của đoàn thanh tra; lắng nghe, tôn trọng các ý kiến giải trình hợp lý của đối tượng thanh tra; hướng dẫn cho đối tượng thanh tra hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật. Đồng thời, phải chấp hành tốt quy trình tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra theo Thông tư số 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ và các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Thanh tra.

Các cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh còn thường xuyên tổ chức triển khai, quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong ứng xử tiếp công dân, giải quyết KNTC và tham mưu thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC theo thẩm quyền. Việc thực hiện phải đúng trình tự, thủ tục; ứng xử có văn hóa, lắng nghe, tôn trọng khi tiếp công dân; hướng dẫn, giúp người KNTC hiểu và thực hiện đúng quy định có liên quan. Qua triển khai, cho thấy việc ứng xử trong tiếp công dân, giải quyết KNTC của cán bộ ngành thanh tra có những chuyển biến tích cực, tạo được sự hài lòng ở người dân. Thời gian qua, nhiều vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Khi thực hiện triển khai các quyết định giải quyết KNTC đều nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan. Trong năm 2019 đến nay, có nhiều trường hợp rút đơn khiếu nại.

Phóng viên: Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khá khó khăn và nhạy cảm thì quy tắc ứng xử của người làm công tác thanh tra như thế nào?

Đồng chí Lê Trọng Nguyên: Công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Các cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh đã tham mưu cấp ủy, lãnh đạo thường xuyên tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng như: Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 12-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và đảng viên trong việc thực hiện quy định về công tác phòng, chống tham nhũng. Trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng luôn phải thực hiện đúng theo quy tắc ứng xử là không lợi dụng danh nghĩa cán bộ thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật; không nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần để vụ lợi; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra. Ngoài ra, người làm công tác thanh tra phải có sự chuẩn mực trong ứng xử với đồng nghiệp; nhân dân và cả các đối tượng được thanh tra.

Phóng viên: Thời gian qua, các cơ quan thanh tra có xử lý trường hợp nào vi phạm về quy tắc ứng xử, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Trọng Nguyên: Từ năm 2007 đến nay, toàn ngành thanh tra trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện và xử lý trường hợp cán bộ, công chức, người lao động vi phạm qua việc thực hiện quy tắc ứng xử. Bởi các cơ quan thanh tra trên địa bàn luôn quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định số 1860/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ gắn với kế hoạch kiểm điểm, giám sát đảng viên hàng năm của chi bộ, đảng bộ. Nhờ vậy, đã chỉ ra được những ưu điểm để phát huy và những hạn chế để khắc phục, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong ngành.

Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra còn tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm các quy định có liên quan, nhất là Chỉ thị số 769/CT-TTCP của Thanh tra Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành thanh tra và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thực hiện tốt các quy định có liên quan để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: